Đề dẫn tại Hội thảo, Trung tướng Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân nhấn mạnh, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật được ban hành, tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và ngành Giao thông vận tải, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và giảm qua các năm, hạn chế ùn tắc giao thông; chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là các vi phạm thuộc nhóm nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, tải trọng...
Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn một số tồn tại, phức tạp. Tai nạn giao thông tuy được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao. Thiệt hại do tai nạn giao thông đối với xã hội vẫn ở mức nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông nhất là những ngày nghỉ, ngày lễ, tết chưa được giải quyết căn bản. Vi phạm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn khá phổ biến. Những vấn đề tồn tại trên có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí xã hội và các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội thảo nhằm bổ sung và làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay; từ đó xác định hạn chế và nguyên nhân, đưa ra định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Cùng với đó, tập trung đi sâu phân tích, làm rõ thực trạng công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của các lực lượng chức năng trong thời gian qua; đánh giá tình hình áp dụng pháp luật, khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật có liên quan đến công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông, công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; làm rõ trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa Cảnh sát giao thông và ngành Giao thông vận tải trong việc giải quyết điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, hướng đến việc tổ chức giao thông một cách hiệu quả, khoa học giúp người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, thông suốt.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung trọng tâm của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải xác định lấy con người làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp và người nước ngoài tham gia hoạt động giao thông trên lãnh thổ Việt Nam, phát huy được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hiện là vấn đề nóng, còn nhiều bức xúc. Thực tiễn trên đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này.
Đề xuất một số giải pháp về an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cần tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm bớt thị phần của đường bộ; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; nâng cao năng lực hiệu quả cứu hộ cứu nạn, tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho các cơ quan thực thi pháp luật; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, trong đó đề cao trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành luật, đấu tranh lên án các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông nhằm từng bước xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong toàn xã hội.
Tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ ra thực trạng về quá tải hạ tầng giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Để tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông, nhất là số thương vong do tai nạn giao thông, đại diện Công an thành phố Hà Nội đề nghị cần tăng cường áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, hai mục tiêu cần thực hiện là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng văn hóa giao thông an toàn, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo hướng lấy sự thay đổi hành vi của người tham gia giao thông làm tiêu chí đánh giá kết quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông…
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận nhằm cung cấp luận cứ khoa học, thống nhất về mặt nhận thức về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng; đánh giá sự tác động của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.