50 năm Hiệp định Paris - Bài cuối: Dấu mốc đi tới hòa bình

Cách đây ít ngày, một cuộc gặp mặt giữa cựu phi công Mỹ và phi công Việt Nam, giữa con cựu binh Mỹ tử trận tại Việt Nam và con các liệt sỹ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhân dân Hà Nội nồng nhiệt đón chào Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trở về, sau khi ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (2/1973). Ảnh: TTXVN

Trong không khí đồng cảm, xúc động và tràn đầy bao dung, những người ở hai phía đã nhắc tới Hiệp định Paris với lòng biết ơn, sự trân trọng. Họ hiểu rằng, nếu không có cuộc đàm phán kéo dài tới gần 5 năm đó, nếu không có những con người can trường, tài ba đó, không biết cuộc chiến tại Việt Nam sẽ đi về đâu; và sẽ còn thêm những ai phải mất cha, mẹ, anh, em, mang thương tật suốt đời.

Quả thực, Hiệp định Paris là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam là một bước tiến vô cùng quan trọng, có tính quyết định để đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Gian nan con đường đến với hòa bình

Kéo dài ròng rã 4 năm 8 tháng 16 ngày, trải qua 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng, hơn 500 cuộc họp báo và có đến hơn 1 nghìn lần phía ta tiếp, trả lời phỏng vấn báo chí các nước, Hội nghị Paris là cuộc đấu trí, đấu lý đầy bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ Việt Nam với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới.

Ngay từ đầu, quá trình đàm phán Hiệp định của Việt Nam đã thực hiện triệt để sách lược ngoại giao: “Tuy hai mà một, tuy một mà hai” như Bác Hồ từng chỉ rõ tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm ngày 16/3/1966: “Bây giờ ngoại giao của ta vừa là một vừa là hai mà lại là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam dân chủ cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận giải phóng. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau”.

Tại Hội nghị Paris về Việt Nam, hai đoàn đàm phán của ta đã thực hiện một cách xuất sắc vai trò và vị trí của mình. Ở đây có sự phân công và phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai Đoàn trong quá trình đàm phán. Trong tất cả diễn biến đàm phán, hai đoàn ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ địa vị chính đáng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân miền Nam để sau này tiến lên giành thắng lợi trọn vẹn trong mùa Xuân lịch sử 1975.

Nhắc tới câu chuyện cái bàn, Nhà báo Hà Đăng cho biết, chung quanh cái bàn không chỉ đơn thuần là chỗ ngồi mà còn là vị trí của các chủ thể tham gia đàm phán. Tiềm ẩn phía sau vị trí chủ thể đó là tính chất của cuộc chiến tranh. “Ta nói Hội nghị Paris về Việt Nam là hội nghị bốn bên để xác định vị trí bình đẳng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đối với Chính phủ Mỹ trong đàm phán, đồng thời khẳng định rằng, nếu Mỹ muốn giải quyết cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thì phải nói chuyện nghiêm chỉnh với Mặt trận”, Nhà báo Hà Đăng cho biết. Do đó, thỏa thuận về cái bàn tròn, phủ dạ xanh không có đường phân vạch, chung quanh cái bàn đó là bốn đoàn ngồi đối mặt nhau một cách bình đẳng, tự nó đã nói lên ý nghĩa.

Nhà báo Hà Đăng nói thêm, sau khi thống nhất đất nước, có người ví sách lược ngoại giao “tuy hai mà một, tuy một mà hai” là một vở diễn hoàn hảo đến mức mỗi diễn viên đều nhập vai một cách rất tự nhiên, khiến cả thế giới không nhận ra. Nhưng trên thực tế, vốn là một nước độc lập, bị tạm chia cắt thành hai miền từ Hiệp định Gèneve năm 1954, bởi vậy, nền ngoại giao Việt Nam vẫn là một cây hai nhánh, một cội hai cành. Dù ở bất kỳ đâu, hoàn cảnh nào, tư tưởng cốt lõi vẫn là tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Đường tới hòa bình

Chú thích ảnh
Bà Nancy Hollander, Cựu thành viên tổ chức “Phụ nữ đấu tranh vì hòa bình" trả lời phỏng vấn của các phóng viên bên lề buổi gặp gỡ hữu nghị "Hiệp định Paris 1973 - Ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai". Ảnh: An Đăng/TTXVN

Kiên định mục tiêu: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, giữ vững lập trường, nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, cuộc đàm phán Paris cho thấy tầm quan trọng quyết định của đường lối chiến lược, sách lược sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta và vai trò, ý nghĩa quan trọng của ngoại giao trong sự phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị.

Đánh giá về sách lược ngoại giao được vận dụng khi đó, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng, một đường lối ngoại giao đúng đắn, linh hoạt, khôn khéo có thể phát huy kết quả chiến trường một cách có lợi nhất cho thắng lợi chung.

“Trong ngoại giao, nhiều khi mềm dẻo lại chính là tấn công. Chúng ta giữ vững lập trường kiên quyết, sắt đá, đấu tranh trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa các cường quốc; đồng thời tìm giải pháp có lợi nhất ra khỏi chiến tranh, giành thắng lợi”, bà nói.

Với ưu thế qua những chiến thắng trên thực địa, đầu tháng 10/1972, hai bên thỏa thuận về cơ bản Dự thảo và dự định ngày 30/10 sẽ ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, đầu tháng 11/1972, phía Mỹ lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định có lợi cho Mỹ. Để gây áp lực buộc ta chấp nhận, Mỹ tiến hành cuộc không kích bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18 - 30/12/1972. Ngày 21/12, ta tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Cuộc đàm phán trong tình trạng đặc biệt căng thẳng. Chiến dịch không kích thất bại, Mỹ phải ngừng ném bom, trở lại chấp nhận Dự thảo và ngày 23/1/1973, ta và Mỹ ký tắt văn bản Hiệp định. Rồi sáng 27/1/1973, Hiệp định được chính thức ký kết; xác định tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, với Hiệp định Paris, quân và dân ta đã thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ: “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề thuận lợi để hiện thực hóa nửa còn lại “đánh cho ngụy nhào”.

Ngày 2/3/1973, một Hội nghị quốc tế được tổ chức để xác nhận về mặt pháp lý của Hiệp định Paris với đại diện của 12 nước và các bên, có Tổng Thư ký Liên hợp quốc là khách mời của Hội nghị; ra bản Định ước quốc tế về Việt Nam.

Nhìn lại toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris để thấy được rất nhiều bài học quý giá, mà theo lời ông Vũ Khoan, vẫn còn nguyên vẹn giá trị và cần được vận dụng sáng tạo trong bối cảnh đất nước cũng như thế giới đã và đang có những thay đổi hết sức lớn lao, sâu sắc.

Đó là chủ trương của Việt Nam về đường lối độc lập tự chủ. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh “lấy yếu đánh mạnh”, việc tạo dựng sức mạnh tổng hợp là một nhân tố hết sức quan trọng. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp thế giới.

“Chúng ta giữ vững lập trường độc lập tự chủ trong tiến hành chiến tranh cũng như kết thúc chiến tranh, đồng thời vẫn tranh thủ bạn bè quốc tế. Phong trào đoàn kết rộng lớn với Việt Nam chưa từng thấy cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân ta”, bà Nguyễn Thị Bình nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Bình, dân tộc ta trong hoàn cảnh nào cũng cần sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế; kiên định bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; có đoàn kết dân tộc vững chắc thì mới có sự đoàn kết quốc tế lớn mạnh.

Một bài học nữa luôn thức thời đã được Bác Hồ chỉ ra không chỉ cho ngành Ngoại giao, mà cho cả dân tộc: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có lớn tiếng mới to”.

Ở bất kể lúc nào, bài học “phải trông ở thực lực” luôn có giá trị trường tồn. Chính sách đối ngoại của Đại hội XIII đề ra chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi”.

Kiên định chính sách này, không ít lần, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khẳng định: Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải. Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch dù trong hoàn cảnh nào. Muốn đạt được điều này, cần có sách lược linh hoạt, vận dụng đúng lúc “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm”.

Một điểm cốt lõi, giá trị tinh thần và nền tảng văn hóa cốt lõi của dân tộc ta được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, sự kiên cường trong quá trình dựng và giữ nước, tinh thần hòa hiếu, nhân văn của dân tộc chính là chìa khóa đóng lại những cuộc chiến tranh phi nghĩa, mở ra cánh cửa hòa bình cho đất nước, cho nhân loại, bởi hơn tất cả, chân lý luôn thuộc về hòa bình.

Thu Phương (TTXVN)
50 năm Hiệp định Paris - Bài 4: Người dân làm nên hòa bình
50 năm Hiệp định Paris - Bài 4: Người dân làm nên hòa bình

Để có được hòa bình tại Việt Nam, những người dân trên khắp thế giới, ngay cả những người dân Mỹ đã đồng lòng đoàn kết, xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, hết lòng hỗ trợ đoàn đàm phán Paris của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN