50 năm Hiệp định Paris - Bài 4: Người dân làm nên hòa bình

Để có được hòa bình tại Việt Nam, những người dân trên khắp thế giới, ngay cả những người dân Mỹ đã đồng lòng đoàn kết, xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, hết lòng hỗ trợ đoàn đàm phán Paris của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, ngày 2/3/1973. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát

“Phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam là sức mạnh tạo điều kiện cho chúng ta tiến công kẻ thù trên bàn đàm phán. Hội nghị Paris cho thấy, sự ủng hộ của quốc tế có ý nghĩa như thế nào đối với thắng lợi. Thời kỳ này, nếu ở Việt Nam, chúng ta có thế hệ Hồ Chí Minh thì trên thế giới có "thế hệ Việt Nam". Trong lịch sử thế giới chưa từng có phong trào đoàn kết nào rộng lớn, sâu sắc, bền bỉ suốt hai thập kỷ như phong trào đoàn kết quốc tế với nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước”. Nguyên Phó Chủ tịch nước, Trưởng Phái đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình đã nói như vậy.

Để có được hòa bình tại Việt Nam, những người dân trên khắp thế giới, ngay cả những người dân Mỹ đã đồng lòng đoàn kết, xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, hết lòng hỗ trợ đoàn đàm phán Paris của Việt Nam.

Những người bạn chân tình

Lần đầu tiên bà Merle Ratner (Mỹ) đi biểu tình phản đối chiến tranh là vào năm 1968 khi mới 12 tuổi; bị bắt lần đầu tiên một năm sau đó và vài lần nữa tại Nhà Trắng và khu vực Tượng nữ thần tự do. “Tôi đã được truyền cảm hứng đấu tranh từ quyết tâm và lòng dũng cảm của người dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước”, bà cho biết.

Theo bà Merle Ratner, khi phong trào phản chiến ngày càng lan rộng, những người tham gia phong trào đã đi tìm hiểu lý do vì sao người dân Việt Nam đấu tranh mạnh mẽ đến vậy. Sau đó, họ đã hiểu thêm về sự vô nghĩa của việc chiếm đóng thuộc địa ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đánh giá thế và lực của phong trào giải phóng Việt Nam lúc đó, bà hiểu, Hiệp định Paris là một bước quyết định trong tiến trình giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam.

Đến nay, bà Merle Ratner - Điều phối viên Tổ chức vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ, vẫn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong thúc đẩy hòa giải, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam dioxin.

Chú thích ảnh
Bà Merle Ratner với phóng viên TTXVN. Ảnh: TTXVN

“Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của Bộ trưởng Xuân Thủy và nụ cười đã đi vào lịch sử của ông. Nụ cười của ông Lê Đức Thọ thoáng chút lo âu. Ông là người phụ trách liên lạc giữa Hà Nội và Choisy Le Roi. Tôi cũng nhớ rõ khuôn mặt xinh đẹp của bà Nguyễn Thị Bình. Họ đã chinh phục trái tim nhân dân Pháp bằng lòng quả cảm, tính kiên trì và trí tuệ của mình”, bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, phu nhân của ông Louis Luc, nguyên Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, nơi đoàn đàm phán Việt Nam sống và làm việc trong gần 5 năm tại Pháp, nhớ lại.

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nghỉ tại Khách sạn Lutétia, Paris nhưng chi phí quá đắt đỏ để lưu trú lâu dài nên đã nhờ Đảng Cộng sản Pháp bố trí chỗ ở.

Ngay lập tức, Trường Đào tạo cán bộ của Đảng Cộng sản Pháp, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Maurice Thorez năm 1946 khi diễn ra Hội nghị Fontainebleau được đề xuất.

Cùng với Thị trưởng Thành phố Choisy Fernand Dupuy, Luis Luc, André Lecourt và bản thân bà lúc đó là Bí thư Thành ủy Choisy le Roi đồng thời là Ủy viên Hội đồng Tỉnh, nhận thấy đây là một vinh dự đồng thời cũng là một trách nhiệm lớn lao.

“Cần đảm bảo các điều kiện ăn ở, làm việc tốt nhất cho các đoàn đàm phán với các thành viên đang phải sống xa gia đình. Hơn nữa, cần phát động phong trào đoàn kết để ủng hộ đoàn đàm phán. Điều này không chỉ nhằm khích lệ tinh thần của đoàn, mà còn để chỉ rõ cho người Mỹ thấy được sự ủng hộ không chỉ của Pháp mà còn của cả châu Âu, châu Mỹ và toàn thế giới dành cho nhân dân Việt Nam”, bà Hélène Luc cho biết.

Rất nhiều tình nguyện viên, đảng viên cộng sản, nhân viên tòa thị chính đã không quản ngày đêm hỗ trợ đoàn đàm phán trong sinh hoạt ăn ở, đảm bảo an ninh về người, trụ sở và nhất là bảo vệ trạm liên lạc trao đổi điện đàm giữa Choisy Le Roi và Hà Nội.

Thị trưởng Choisy đã mời phái đoàn lên chúc mừng năm mới. Cả nghìn người có mặt lúc đó đã vỗ tay hoan hô ông Xuân Thủy, người được vinh danh là công dân danh dự của thành phố Choisy le Roi.

Vào ngày 27/1/1973, khi thông báo được chờ đợi từ lâu vang lên trên các phương tiện truyền thông, Hội đồng Thành phố Choisy le Roi đã nhóm họp. Thị trưởng Louis Luc báo tin vui và tuyên bố: "Xin vinh danh những người chiến sĩ Việt Nam anh dũng cũng như tất cả những người đã ủng hộ họ. Tôi thấy rằng chúng tôi nợ dân tộc Việt Nam của các bạn, một dân tộc từ lâu bị áp bức dưới danh nghĩa nước Pháp. Sắp tới, chúng tôi sẽ giúp Việt Nam tái thiết".

Ngày buồn nhất với bà Hélène Luc là khi Hà Nội đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Họ đã cùng nhau đến viếng Người và tay trong tay với phái đoàn với tất cả niềm thương tiếc.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris tại Hà Nội, bà Hélène Luc cho biết: “Tình cảm tôi dành cho Việt Nam từ khi mới 15 tuổi thế nào, đến nay vẫn không thay đổi. Đây cũng là điều tôi đã truyền lại cho hai con của mình. Và tôi sẽ cố gắng tiếp tục đồng hành lâu nhất có thể với thế hệ trẻ của hai nước chúng ta”.

Những người bạn hiểu lý lẽ, yêu chuộng hòa bình và đất nước Việt Nam là nguồn sức mạnh lớn cổ vũ cho cuộc chiến đấu từ chiến trường tới bàn đàm phán thành công vang dội.

Ngoại giao tâm công

Chú thích ảnh
Ngày 9/5/1968, Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến thủ đô Paris (Pháp), tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Hoa Kỳ. Ảnh: Văn Lượng/TTXVN

Xuyên suốt lịch sử Việt Nam, từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, tinh thần nhân văn, hòa hiếu, thu phục lòng người bằng chính nghĩa, thuyết phục bằng lẽ phải là một trong những truyền thống của ngoại giao Việt Nam. Từ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Bó tay để đợi bại vong/giặc đã trí cùng lực kiệt; chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”, đến thời đại Hồ Chí Minh: “Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa”, ngoại giao tâm công luôn là sách lược đúng đắn để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù.

Tại đàm phán Paris, nghệ thuật tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta là nghệ thuật kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại. Tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của Việt Nam chống Mỹ là nguồn gốc khơi dậy sự ủng hộ quốc tế.

Lúc này, ở miền Bắc là tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là giương cao khẩu hiệu hòa bình trung lập để tập hợp sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế. Cuộc đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của nhân dân ta đã lay động tình cảm và lương tri của những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.

Ngay trong lòng nước Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam phát triển càng mạnh, đặc biệt là tại các trường đại học Mỹ. Theo ông Steve Early, người từng tham gia phong trào phản chiến, yêu cầu kết thúc chiến tranh Việt Nam vào tháng 5/1970, khi đó, có khoảng 4 triệu thanh niên Mỹ đã tham gia biểu tình phản chiến, đóng cửa các lớp học. Hàng chục ngôi trường phải đóng cửa. Có những cuộc biểu tình lớn chưa từng có, khoảng 2 nghìn sinh viên đã bị bắt. Ngày 4/5/1970, bốn sinh viên ở Đại học Kent, bang Ohio bị bắn chết.

Ở Paris, các nước châu Âu, châu Á, Mỹ La - tinh và nhiều nơi khác trên thế giới, phong trào phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam ngày càng phát triển, gây nhiều khó khăn cho chính quyền Mỹ.

Về phía ta, hàng trăm đoàn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tỏa đi khắp các nước, trong đó có cả các nước đồng minh, sân sau của Mỹ, tận dụng mọi thời cơ mở rộng, tiếp xúc, gặp gỡ các tổ chức quốc gia và quốc tế, tham gia rộng rãi các sự kiện, diễn đàn quốc tế nhằm cung cấp tới nhân dân thế giới thông tin, nhân chứng, tư liệu về tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; đồng thời bày tỏ đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Nhờ những thông tin trên, sự ủng hộ dành cho Việt Nam ngày càng tăng, phong trào đoàn kết với Việt Nam lan rộng. Nhiều hội nghị ủng hộ nhân dân Việt Nam trong đấu tranh thống nhất đất nước được Hội đồng hòa bình thế giới, Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế, Liên hiệp công đoàn thế giới… tổ chức; từ đó, tác động mạnh mẽ đến chính trường các nước, trong đó có nước Mỹ.

Với Mỹ, như lời Bác Hồ từng dạy: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài đánh vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của mặt trận thống nhất nhân dân hai nước; mà cũng là thắng lợi chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa”.

Năm 1968, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ ra đời. Cũng trong năm đó, cuộc gặp lịch sử giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ đã được tổ chức tại Bratislava (Tiệp Khắc), đánh dấu bước tiến lớn trong mũi giáp đối ngoại nhân dân của Việt Nam.

Việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược là vô cùng đúng đắn và cần thiết nhằm huy động và tập hợp các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý.

Sự ủng hộ hết lòng của nhân dân các nước đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ cho đoàn đàm phán Paris thêm kiên cường chiến đấu để đi đến thắng lợi trên bàn đàm phán, hướng tới thắng lợi cuối cùng: Thống nhất hai miền Nam - Bắc, non sông liền một dải.

Bài cuối: Dấu mốc đi tới hòa bình

Thu Phương (TTXVN)
50 năm Hiệp định Paris - Bài 3: Madame Bình - Bộ trưởng Việt cộng trên bàn đàm phán
50 năm Hiệp định Paris - Bài 3: Madame Bình - Bộ trưởng Việt cộng trên bàn đàm phán

“Ở đâu có bà Bình, người ta không còn nhìn thấy ai khác…, khi nghe bà Bình nói, người ta không còn muốn nghe ai khác…, bà bí ẩn…, tinh tế…”. Nhà văn Thụy Điển Sara Lidman từng viết về Madame Nguyễn Thị Bình như vậy trong cuốn sách: “Trong trái tim thế giới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN