Hiệp định Paris - đôi điều suy ngẫm
50 năm sau, khi nói về sự kiện lịch sử này, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người có may mắn được đi theo đoàn của cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris khi cái Tết Quý Sửu - cái Tết đáng nhớ nhất đời ông - đang gần kề, vẫn còn nguyên vẹn cảm giác hân hoan tột độ. “Làm sao không vui mừng, tự hào được khi Hiệp định Paris năm 1973 đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và đấu tranh ngoại giao nói riêng của dân tộc”, ông nói.
Đến giờ, ông Vũ Khoan vẫn nhớ như in những đại lộ dẫn đến Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở Thủ đô Paris, nơi diễn ra lễ ký Hiệp định. Khung cảnh tràn ngập cờ hoa của bà con kiều bào và bạn bè quốc tế bên ngoài Kléber. Tất cả đều đổ về đại lộ Kléber ăn mừng chiến thắng. Thời khắc lịch sử đó, có những niềm vui, nụ cười, những giọt nước mắt…, ký ức đó chưa bao giờ phai mờ trong lòng ông cũng như những người dù trực tiếp, hay gián tiếp chứng kiến khoảnh khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam. Sau bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt, miền Bắc đã có được hòa bình, chúng ta đã có thêm nguồn lực chi viện cho miền Nam.
Suy ngẫm về Hiệp định Paris, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá, quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc đàm phán Paris để lại biết bao bài học kinh điển về nghệ thuật đàm phán nói riêng và nghệ thuật ngoại giao đặc sắc Việt Nam nói chung. Để dễ nhớ, cá nhân ông đã quy những bài học ấy thành bốn cụm từ bắt đầu từ chữ “K”: “kết hợp”, “kiên định”, “kiên trì” và “khôn khéo”. Đó là bài học về sự kết hợp khối đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết chiến đấu; chủ trương đấu tranh trên cả ba mặt trận: Chính trị - quân sự - ngoại giao. Đó là bài học về sự kiên định bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Đó cũng là bài học về sự kiên trì đánh thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Đó còn là bài học về sự khôn khéo, như Bác Hồ từng dạy: “Nguyên tắc của ta phải vững chắc nhưng sách lược của ta thì phải linh hoạt”.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Khoan thú thật, cá nhân ông không thể nhớ chính xác những sáng kiến, tuyên bố liên tiếp được đưa ra trong quá trình đàm phán Hiệp định, nhưng tất cả đều theo tinh thần lời dạy của Bác Hồ: “tuy hai mà một, tuy một mà hai” với hàm ý tuy là hai đoàn song cùng chung một mục đích và đều chịu sự lãnh đạo của Đảng.
“Giống như người xem tranh, nhiều lúc phải lùi xa một chút mới cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của bức tranh; độ dài nửa thế kỷ giúp ta thấu hiểu hơn ý nghĩa và những bài học được đúc rút từ sự kiện lịch sử này”, ông nói.
May mắn trong cuộc đời
Một trong những người đầu tiên đến Paris, cũng là một trong những người cuối cùng rời khỏi nơi này khi Hiệp định Paris được ký kết, Đại sứ Phạm Ngạc, phiên dịch và ghi biên bản trong các cuộc họp công khai, họp kín và tiếp xúc riêng trong sự kiện lịch sử này luôn cho rằng, tham gia quá trình đàm phán là sự may mắn của ông.
Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở Khu tập thể Bộ Ngoại giao (Thành Công, Hà Nội), Nhà ngoại giao Phạm Ngạc (năm nay 88 tuổi) vẫn thường xuyên lật giở lại những bức ảnh, tài liệu cũ. Hồi ức của ông về thời gian đó là cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ am hiểu, sáng suốt, kiên quyết; là Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy bản lĩnh cao, điềm đạm, tinh tế khi phát biểu; bà Nguyễn Thị Bình -Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng sắc sảo không kém. Ông còn nhớ cả những vấn đề sức khỏe hay thói quen trong sinh hoạt của những người trong đoàn. “Đồng chí Lê Đức Thọ thường xuyên mất ngủ. Đồng chí Xuân Thủy bị hen nhưng các đồng chí vẫn vững vàng, tỉnh táo, kiên trì đấu trí”.
Ông vẫn nhớ vào tháng 12/1972, khi Mỹ vừa sử dụng B-52 ném bom Hà Nội và Hải Phòng, ở Paris, Henry Kissinger -Trưởng đoàn đàm phán Mỹ - lại cử người gặp đoàn ta và đưa ra đề nghị đi thăm Hà Nội để thăm dò thái độ Chính phủ và nhân dân ta. Dù trong lòng bộn bề, Đoàn vẫn tiếp đón chu đáo với thái độ đúng mực để rồi từ ngày 10 đến 13/2/1973, sau khi Hiệp định được ký kết, Henry Kissinger đã có chuyến thăm Hà Nội và thảo luận về bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh.
Hay những sự hỗ trợ hết lòng của bạn bè quốc tế và bà con kiều bào tại Pháp luôn dành cho Đoàn trong suốt gần 5 năm đàm phán đã tiếp thêm sức mạnh để hai đoàn vượt qua mọi thủ đoạn gây căng thẳng, những cuộc họp kéo dài thâu đêm suốt sáng trong nhiều ngày để tỉnh táo, kiên trì trong cuộc đấu trí và giành thắng lợi rực rỡ.
Những điều này cho thấy sách lược đúng đắn của ngoại giao Hồ Chí Minh kết hợp với những con người tài năng tham gia đàm phán, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế và bà con kiều bào đã từng bước tạo ưu thế cho Việt Nam trên bàn đàm phán, từ đó đi đến thắng lợi lịch sử.
“Siêu cường Mỹ chưa hề biết thua trận, trừ ở Việt Nam, nhưng ngoại giao Hồ Chí Minh đã làm nhân dân và chính quyền Mỹ nhanh chóng có thiện cảm với Việt Nam”, Đại sứ Phạm Ngạc khẳng định.
Thời gian qua đi, ký ức còn mãi
Là nhà báo duy nhất tham gia đoàn đàm phán từ đầu đến cuối, Nhà báo Hà Đăng ( năm nay đã 94 tuổi), thành viên Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Paris nhớ về cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một trong những cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX với những ký ức khó quên.
Ông nhớ lại: “Đó là cuộc đối thoại giữa hai nền ngoại giao - nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường và nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau”.
Ấn tượng nhất của ông về Hội nghị Paris chính là sự tài tình, khéo léo vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh của các nhà đàm phán Việt Nam: “Chính sách phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy, nhu quá thì hèn. Nói nên nhu, làm nên cương”. Bởi vậy, đoàn đàm phán có ông Lê Đức Thọ đầy mưu lược, nghiêm nghị, biết cương - nhu đúng lúc. Ông Xuân Thủy, Nhà ngoại giao tài ba, nụ cười luôn nở trên môi, là nhà văn hóa, nhà thơ. Bà Nguyễn Thị Bình - “Bà hoàng Việt cộng” - người nữ chiến sỹ duyên dáng, khiêm nhường mà kiên quyết.
Chẳng thế mà nhà đàm phán kỳ cựu của Mỹ A.Harriman, tại Hội nghị hai bên diễn ra từ 13/10/1968 đến hết tháng 10/1968 đã nói: “Tôi đã làm ngoại giao 40 năm, từng là nhân vật số 2 tại Hội nghị Yalta đàm phán với Stalin rất cứng rắn nhưng vẫn "có đi có lại". Các ông còn cứng rắn hơn Stalin vì trước sau các ông chỉ một mực đòi chấm dứt ném bom không điều kiện, sau đó mới bàn các việc có liên quan. Tuy nhiên, các ông là những người có thể nói chuyện được, vì các ông có phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh”.
Sau này, qua những cuộc đàm phán không công khai đầy sóng gió với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy tại Paris, Henry Kissinger lại nói: “Chúng tôi không may gặp phải một đối phương như các ông chứ nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ chọn một đối phương khác”.
Là nhà báo nhưng lại tham gia với tư cách thành viên chính thức của đoàn đàm phán, ông Hà Đăng gọi những lần dựng bài phát biểu của trưởng đoàn ta là “những cuộc đánh vật gian truân” bởi viết báo và viết diễn văn đàm phán rất khác nhau. Dù được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Trưởng đoàn và Ban lãnh đạo đoàn nhưng vẫn phải vận dụng hết câu từ, cẩn trọng xây dựng từng lý lẽ, lập luận. Dù vạch tội cũng phải dùng ngôn từ lịch sự; nêu giải pháp phải kèm lý lẽ thuyết phục. Viết làm sao để nêu cao chính nghĩa, bóc trần cái phi nghĩa, minh chứng cái đúng của ta, phản bác cái sai của địch.
Đóng góp cho chiến thắng trên bàn đàm phán bằng những đêm “vắt óc” tìm câu từ cho các bài phát biểu của ta, Nhà báo Hà Đăng, người góp phần không nhỏ trong chiến thắng tại Paris, cho rằng, “cơ duyên” lớn nhất đời ông chính là được trở thành một phần trong chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.
Bài 3: Madame Bình - Bộ trưởng Việt cộng trên bàn đàm phán