Trong đó, lượng xe du lịch đạt 196.949 xe, tăng 27,7%; xe thương mại đạt 84.598 xe, giảm 19,2% và xe chuyên dụng đạt 7.136 xe, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Xét về xuất xứ xe, tính đến hết tháng 12/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 215.704 xe, tăng 10,6%, trong khi xe nhập khẩu đạt 72.979 xe, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Ở góc độ doanh số của các doanh nghiệp, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) có 5 thương hiệu xe tiếp tục dẫn đầu thị trường ô tô năm 2018 với doanh số 96.106 xe, chiếm 34,7% thị phần. Xếp thứ hai là là Toyota Việt Nam với 65.856 xe (chưa kể Lexus), chiếm 23,8% thị phần và các vị trí tiếp theo thuộc về Honda Việt Nam, Ford Việt Nam và GM Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam năm 2018 vẫn còn có doanh số 63.526 xe của Hyundai Thành Công. Như vậy, nếu tính cả doanh số này, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 352.209 xe các loại. Song do Hyundai Thành Công không phải là đơn vị thành viên của VAMA nên không có doanh số trong báo cáo này.
Năm 2018 là năm có nhiều chinh sách mới tác động đến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như: thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% có hiệu lực; Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ bảo hành và bảo dưỡng ô tô; Nghị định 125/2017/NĐ-CP có nội dung ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu về 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe có động cơ dưới 2.0L cũng được giảm thêm 5%...
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0% cũng là lúc Nghị định 116/2017/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Nghị định này yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe như: yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA), kiểm tra theo từng lô, thời gian kiểm tra kéo dài cùng với chi phí lưu kho... khiến xe nhập khẩu về khó khăn, giá tăng hơn trước và nhiều người tiêu dùng vỡ mộng với “giấc mơ” mua ô tô giá rẻ được giảm theo thuế.
Với những mẫu xe “ăn khách” và giá tăng, người tiêu dùng đã phải chi thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để nhận được xe sớm hay mua xe phải mua kèm phụ kiện của đại lý.
Trái ngược với nỗ lực lách qua “khe cửa hẹp” với những quy định khắt khe của xe nhập khẩu trong những tháng đầu năm, Nghị định 116 ban hành lại như “làn gió mới” thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước gia tăng sản xuất, lắp ráp và có được lợi thế về doanh số bán hàng.
Theo thống kê của VAMA, tính đến hết tháng 6 năm 2018, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 125.659 xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 106.678 xe và tăng 10% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 19.039 xe và giảm đến 49% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ nửa cuối tháng 7 cho đến hết năm 2018, lượng xe nhập khẩu bắt đầu trở lại khi hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Nghị định 116 để đưa xe về phân phối.
Dù vậy, điểm nhấn của thị trường ô tô năm 2018 vẫn chính là câu chuyện thuế nhập khẩu xe từ ASEAN giảm về 0%, nhưng giá bán xe không giảm, thậm chí một số mẫu xe ăn khách còn tăng hơn. Theo tính toán của giới chuyên doanh, khi thuế nhập khẩu xe về 0%, giá xe sẽ giảm từ 18 đến 25%. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu linh kiện cũng được hưởng mức ưu đãi 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe có động cơ dưới 2.0L cũng được giảm thêm 5% từ đầu năm 2018... thì giá xe cũng giảm được đáng kể.
Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, mặc dù thuế giảm về 0%, nhưng do phải đáp ứng điều kiện kinh doanh mới khiến doanh nghiệp phải tính toán lại các yếu tố đầu vào và điều chỉnh giá bán. Dù xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc có sự chênh lệch trong nửa đầu năm 2018, song cả hai đã “dắt tay nhau” đưa thị trường ô tô đi lên những tháng còn lại, góp phần thúc đẩy thị trường ô tô Việt tăng trưởng.