Hiện giá tiêu đen chỉ ở mức dưới 120.000 đồng/kg tại các vùng nguyên liệu Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu năm nay giảm khoảng 35.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp ngoài do yếu tố chất lượng còn do ảnh hưởng của yếu tố cung cầu trên thị trường thế giới, tức là cung đang vượt cầu nên giá giảm là không tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhiều thương nhân nước ngoài dựa vào thông tin không rõ ràng tồn kho của một số nhà nhập khẩu trên thế giới còn nhiều nên đưa ra giá mua thấp, tác động tiêu cực đến thị trường hồ tiêu Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sản lượng hồ tiêu năm sau cao hơn năm trước do người dân đổ xô mở rộng, trồng mới khi thấy lợi nhuận từ cây tiêu cao hơn so với các cây trồng khác.
Nông dân thu hoạch tiêu. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu. Do vậy, chỉ cần Việt Nam tăng sản lượng, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sẽ có xu hướng giảm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm khó khăn về xuất khẩu hồ tiêu của nước ta. Chất lượng hạt tiêu xuất khẩu là yếu tố quan trọng nhất tác động đến thương mại hồ tiêu của Việt Nam. Việc quản lý chất lượng hạt tiêu nguyên liệu từ các vùng sản xuất cũng là điều khó khăn nhất ngành hồ tiêu phải vượt qua để duy trì kim ngạch xuất khẩu.
Nhu cầu tiêu dùng loại gia vị này trên thị trường thế giới vẫn tăng nhưng phần lớn thị trường thế giới không chấp nhận mua hạt tiêu không đạt yêu cầu chất lượng.
Trong 2 tháng đầu năm, khối lượng tiêu xuất khẩu đạt khoảng 16.000 tấn với giá trị 112 triệu USD, giảm gần 20% về khối lượng và giảm 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức và Anh với trên 41% thị phần. Trong tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tiêu sang nhiều thị trường tăng mạnh như Pakixtan (trên 71%), Ấn Độ (25%) và Nhật Bản (gần 21%).