Nhân viên Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm dọn cỏ cho vườn tiêu hữu cơ tại Phú Quốc. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN |
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu, sở dĩ việc xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh là do ảnh hưởng của yếu tố cung cầu trên thị trường thế giới, nguồn cung tiêu đang có xu hướng tăng cao hơn so với nhu cầu.
Tại Việt Nam, trong vài năm gần đây, giá hồ tiêu liên tục tăng cao đã khiến nhiều người dân đổ xô vào trồng loại cây này khiến sản lượng tăng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu nên chỉ cần Việt Nam tăng sản lượng, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới sẽ có xu hướng giảm xuống.
Cũng do việc tăng trưởng “nóng” trong thời gian qua nên chất lượng hồ tiêu không được kiểm soát triệt để đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ hồ tiêu trong những tháng đầu năm nay.
Giá tiêu trong nước đang ở mức thấp hơn nhiều so với các vụ trước, chỉ ở mức dưới 120.000 đồng/kg tại các vùng nguyên liệu Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu năm nay giảm khoảng 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với giá tiêu hiện nay, người nông dân vẫn có lợi nhuận. So sánh với một số loại cây trồng công nghiệp khác như cà phê, cao su thì cây tiêu vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều. Dù vậy, nếu Việt Nam không kiểm soát tốt vấn đề chất lượng hồ tiêu xuất khẩu thì sẽ bị các đối tác nước ngoài lợi dụng vấn đề này để ép giá. Đồng thời, ngành hồ tiêu cũng khó có thể tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.
VPA cho rằng, trong thời gian tới vấn đề an toàn thực phẩm trên hạt tiêu sẽ luôn được các thị trường nhập khẩu đặc biệt quan tâm. Do vậy, để ngành hồ tiêu Việt Nam thực sự phát triển ổn định, không bị mất giá thì người nông dân, các đầu mối thương lái, doanh nghiệp thu gom, tạm trữ... phải cùng có trách nhiệm, quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn, chất lượng mới.