Giá tiêu giảm mạnh, đồng bào Tây Nguyên vẫn mở rộng diện tích

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào vụ thu hoạch tiêu, giá tiêu hạt xuống chỉ còn 115.000 đến 116.000 đồng/kg, giảm trên 100.000 đồng/kg so với đầu năm 2016 và giảm 15.000 đến 16.000 đồng/kg so với đầu tuần vừa qua.

Vườn hồ tiêu đang tiếp tục mở rộng bằng nhiều hình thức như trồng xen và trồng tập trung. Ảnh: Dương Giang /TTXVN

Mặc dù giá tiêu hạt giảm mạnh nhưng các hộ đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Theo các nông hộ trồng tiêu ở Tây Nguyên, tuy giá tiêu hạt xuống thấp nhưng hiện nay lợi nhuận từ cây tiêu vẫn cao gấp 3 - 4 lần so với trồng cà phê, điều, cao su và một số cây nông sản khác.

Gia đình anh Y Tắc Niê là người dân tộc Êđê, ở xã vùng sâu Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) so sánh, đầu tư 1 ha cà phê trồng mới cũng mất gần 300 triệu đồng, sau 3 năm đầu tư khá lớn (trong thời kỳ kiến thiết cơ bản) từ vật tư phân bón, chăm sóc đến cần lượng nước tưới vào mùa khô đến kỳ thu bói chỉ thu được cao lắm là 1 tấn cà phê nhân, với thời giá như hiện nay trị giá khoảng 37 triệu đồng. Diện tích cà phê này đến năm thứ 5 đưa vào kinh doanh ổn định, với năng suất bình quân 3,5 tấn cà phê nhân/ha thì lâu lắm mới thu hồi lại vốn chứ chưa nói đế có lãi.

Trong khi đó, 1 ha tiêu, đầu tư trồng mới từ 350 đến 400 triệu đồng, sau 3 năm đưa vào thu hoạch, với năng suất bình quân 1,5 đến 2 tấn tiêu hạt/ha và đến năm thứ 5 năng suất bình quân 3 tấn tiêu hạt/ha, với thời giá như hiện nay sau khi hoàn vốn, người trồng tiêu đã lãi to.

Cũng theo tính toán của các nông hộ trồng tiêu, thậm chí, khai thác chu kỳ kinh doanh của cây tiêu chỉ trong vòng 10 năm thì cũng đã “thắng lớn” hơn rất nhiều lần so với các loại cây công nghiệp dài ngày khác ở Tây Nguyên.

Thực tế, hiện nay, các nông hộ ở Tây Nguyên bất chấp các khuyến cáo của các địa phương, ngành chức năng đua nhau chuyển diện tích cà phê, điều, cao su, đất vườn tạp…. sang trồng tiêu. Thậm chí, nhiều nông hộ chạy theo phong trào đưa hàng loạt diện tích đất ở vùng trũng, vùng dễ bị ngập nước, đất không thích hợp vào trồng tiêu nên hàng nghìn ha tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt.

Ngay tại Đắk Lắk, địa phương phát triển “nóng” cây tiêu trong năm qua cũng đã có gần 600 ha tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm làm thiệt hại khá lớn cho người trồng tiêu. Nghiêm trọng hơn, các nông hộ còn sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc đưa vào trồng đại trà nên càng gây thiệt hại lớn cho các nông hộ…

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển diện tích cây hồ tiêu tự phát như hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, đồng thời, dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu như cây cây cao su và một số cây trồng khác trong những năm qua.

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã có diện tích cây hồ tiêu tăng lên trên 71.000 ha; trong đó, trồng mới của năm 2016 trên 14.400 ha. 5 tỉnh trong khu vực (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) đều có diện tích cây hồ tiêu vượt khá xa quy hoạch, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất với trên 27.500 ha, kế đến là tỉnh Đắk Nông có gần 25.000 ha, tỉnh Gia Lai có 15.697 ha…

Quang Huy
Đắk Lắk lo bảo vệ hồ tiêu chín
Đắk Lắk lo bảo vệ hồ tiêu chín

Hiện nay, hồ tiêu ở Đắk Lắk đã bắt đầu chín lác đác, các nông hộ trồng tiêu trên địa bàn đã tăng cường bảo vệ nhằm để hồ tiêu già, chín đều mới thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm tiêu hạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN