Báo cáo thường niên của WGC cho thấy mức tiêu thụ vàng đã tăng khoảng 3% lên 4.899 tấn vào năm ngoái, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường giao dịch vàng phi tập trung (OTC), hay giao dịch ngoài sàn giao dịch, cũng như từ hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương. Con số trên là mức cao nhất kể từ năm 2010.
Ông Joseph Cavatoni, chiến lược gia trưởng thị trường tại WGC, cho biết các ngân hàng trung ương tiếp tục là khách hàng chủ chốt thu mua vàng.
Giá kim loại quý trên đã tăng 13% trong năm 2023 và chạm mức kỷ lục vào đầu tháng Mười Hai, do các vấn đề về kinh tế, căng thẳng địa chính trị và kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Các nhà đầu tư thường muốn sở hữu vàng trong chu kỳ cắt giảm lãi suất vì kim loại này được hưởng lợi từ lãi suất trái phiếu thấp hơn và đồng USD yếu hơn.
Dữ liệu của WGC cho hay tăng trưởng nhu cầu vàng hàng năm trên thị trường OTC đạt 753% vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2011. Theo ông Cavatoni, các nhà đầu tư dự kiến sẽ tiếp tục nhanh chóng tích lũy vàng trong năm nay, nhờ triển vọng Fed chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo, WGC cho biết, các ngân hàng trung ương đã mua vào 1.037 tấn vàng vào năm ngoái, chỉ kém mức kỷ lục của năm 2022 khoảng 45 tấn. Dự kiến lượng mua của ngân hàng trung ương sẽ đạt 500 tấn trong năm nay.
Theo ông Cavatoni, sự sôi động trên thị trường OTC và hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương có thể đẩy giá vàng lên 2.200 USD/ounce hoặc thậm chí cao hơn nữa. Hồi tháng 12/2023, giá vàng giao ngay đã vọt lên 2.135,39 USD/ounce.
WGC nhận định thị trường vàng trang sức có thể gặp khó khăn trong năm nay do kinh tế giảm tốc và giá ở mức cao. WGC ước tính mức tiêu thụ vàng trang sức vào khoảng 2.093 tấn trong năm 2023.
Tuy nhiên, Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, có thể trở thành điểm sáng, với nhu cầu dự kiến sẽ tăng trở lại từ 800 đến 900 tấn trong hai năm tới sau khi giảm xuống còn 748 tấn vào năm 2023.