Dow Jones ghi nhận mức giảm theo tuần mạnh nhất trong bốn tháng

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong tuần qua, trong đó chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 10/2024, khép lại một tuần giao dịch với những lo ngại về mối đe dọa thuế quan mới và nhu cầu tiêu dùng suy yếu. 

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Phiên giao dịch cuối tuần 21/2, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, nối dài đà bán tháo sau các báo cáo kinh tế ảm đạm. Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 748,63 điểm, hay 1,69%, xuống 43.428,02 điểm. Đây là mức đóng phiên thấp nhất của chỉ số này kể từ ngày 16/1, trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng mất 104,39 điểm, tương đương 1,71%, xuống 6.013,13 điểm. Mức giảm trong phiên này là lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm của cả Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 18/12/2024, theo Dow Jones Market Data.

Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 438,36 điểm, tương đương 2,20%, xuống 19.524,01 điểm.

Trước đó trong tuần, sau khi đóng cửa nghỉ lễ ngày 17/2, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong hai phiên liên tiếp sau đó, khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga tiến hành những cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát. Trong đó, đáng chú ý, chỉ số S&P 500 đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong hai ngày liên tiếp này.

Tuy nhiên, sau đó, trong phiên 20/2, thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm sau khi "gã khổng lồ" bán lẻ Walmart đưa ra dự báo ảm đạm, làm dấy lên lo ngại về khả năng nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Walmart đã đưa ra cảnh báo năm 2025 sẽ khó khăn hơn do người tiêu dùng lo ngại về diễn biến lạm phát và tác động của chính sách thuế quan của Mỹ. Walmart dự kiến doanh thu và lợi nhuận của "gã khổng lồ" bán lẻ này sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2025. 

Dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc và tâm lý người tiêu dùng suy yếu. Những người tham gia khảo sát bày tỏ những dự đoán ngày càng bi quan trước những bất ổn kinh tế.

Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây, hoạt động xây dựng nhà ở gia đình đơn lẻ của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 1/2025 do ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh, lãi suất thế chấp tăng cao và nguy cơ chi phí cao hơn từ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, việc khởi công xây dựng nhà ở gia đình đơn lẻ, chiếm phần lớn trong hoạt động xây dựng nhà ở, đã giảm 8,4% xuống còn 993.000 căn trong tháng 1/2025. Số liệu của tháng 12/2024 được điều chỉnh cao hơn với mức 1,084 triệu căn, thay vì 1,050 triệu căn được báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, khởi công xây dựng nhà ở gia đình đơn lẻ đã giảm 1,8% trong tháng 1/2025.

Khởi công xây dựng nhà ở dành cho nhiều hộ gia đình cũng giảm 11,0%, xuống còn 355.000 căn trong tháng 1/2025. Tổng số nhà ở khởi công giảm 9,8%, xuống còn 1,366 triệu căn. So với cùng kỳ năm ngoái số nhà khởi công xây dựng đã giảm 0,7%.

Số giấy phép xây dựng nhà ở gia đình đơn lẻ trong tương lai được duy trì ở mức 996.000 căn trong tháng 1/2025, trong khi giấy phép xây dựng nhà ở dành nhiều hộ gia đình lại giảm 1,4%, xuống mức 427.000 căn. Số giấy phép xây dựng nói chung tăng 0,1%, lên mức 1,483 triệu căn trong tháng 1/2025, song giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng vừa phải vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn vững chắc, bất chấp việc hàng loạt nhân viên chính phủ liên bang bị sa thải sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã tăng 5.000 đơn, lên mức 219.000 đơn trong tuần tính đến ngày 15/2, cao hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó là 215.000 đơn. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu chưa được điều chỉnh giảm 10.118 đơn, xuống còn 222.627 đơn vào tuần trước. 

Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của công ty dữ liệu tài chính S&P Global, các doanh nghiệp Mỹ không còn lạc quan về triển vọng kinh tế nữa và điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến sự biến động mạnh trên thị trường chứng khoán. Theo ông, tình trạng bất ổn và biến động thị trường này sẽ kéo dài ít nhất đến cuối tháng Ba.

Trong tuần này, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ sớm công bố các mức thuế mới đối với gỗ và những sản phẩm lâm nghiệp, bên cạnh các kế hoạch đã được công bố trước đó về việc áp thuế đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu.

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)
Thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm do triển vọng ảm đạm của Walmart
Thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm do triển vọng ảm đạm của Walmart

Thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm trong phiên giao dịch 20/2 sau khi "gã khổng lồ" bán lẻ Walmart đưa ra dự báo ảm đạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN