Mua bán xăng, dầu tại điểm kinh doanh xăng dầu Petrolimex. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể tăng 453 đồng (2,2%) lên mức 21.043 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể chỉ tăng nhẹ 0,6% lên mức 21.196 đồng/lít.
Trong khi đó, mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng giảm, trong đó dầu diesel có thể giảm 0,4% về mức 18.994 đồng/lít, dầu hỏa có thể giảm 0,5% về mức 19.373 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 1,5% về mức 17.503 đồng/kg. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 18/2 (giờ Mỹ), giá dầu Brent kỳ hạn tăng 0,8%, lên 75,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,6%, lên 71,85 USD/thùng.
Giá dầu tăng trước tiên do nguồn cung bị gián đoạn tại Nga khi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào trạm bơm dầu tại Nga thuộc tuyến đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) khiến lượng dầu vận chuyển từ Kazakhstan ra thị trường thế giới giảm 30 - 40% trong ngày 18/2. Theo tính toán của Reuters, mức cắt giảm 30% tương đương khoảng 380.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, cảng Novorossiisk ở Biển Đen của Nga phải tạm dừng hoạt động do bão. Trước đó, kế hoạch xuất khẩu dầu từ cảng này trong tháng 2/2025 đã được điều chỉnh tăng thêm 0,24 triệu tấn so với kế hoạch ban đầu, lên 2,25 triệu tấn, tương đương khoảng 590.000 thùng/ngày.
Nguồn cung dầu của thế giới cũng bị gián đoạn khi thời tiết giá lạnh tại Mỹ làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu. Cơ quan Quản lý Đường ống Bắc Dakota ước tính sản lượng dầu tại bang sản xuất lớn thứ ba của Mỹ có thể giảm tới 150.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế phần nào do triển vọng nguồn cung sớm tăng trở lại, chờ đợi vào kết quả đàm phán Nga - Mỹ trong giải quyết xung đột Nga - Ukraine, từ đó có thể khơi thông nguồn cung dầu từ Nga ra thị trường một cách hợp lệ và gia tăng tình trạng dư thừa nguồn cung. Ngoài ra, các nhà giao dịch cũng đang chờ tín hiệu rõ ràng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, về việc liệu nhóm này có thực hiện kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 4/2025 hay sẽ trì hoãn quyết định này sang một thời điểm khác.