Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, ngày 1, 11 và 21 hàng tháng là ngày điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do ngày 1/7/2023 rơi vào thứ Bảy nên kỳ điều hành giá được dời sang thứ Hai ngày 3/7/2023.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của VPI dự báo giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 368 đồng/lít xuống mức 20.502 đồng/lít, giá xăng RON 95 có thể giảm 101 đồng/lít xuống mức 21.909 đồng/lít.
Mô hình này cũng dự báo giá dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut có thể tăng 60 - 71 đồng/lít tùy loại.
Mức trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu được mô hình dự báo khoảng 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95; khoảng 150 - 200 đồng/lít đối với các loại dầu.
Trên thị trường châu Á, vào 13 giờ 31 phút (theo giờ Việt Nam) ngày 30/6, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9 tăng 4 xu Mỹ, lên 74,54 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ, xuống 69,81 USD/thùng.
Giá dầu châu Á giữ ổn định trong chiều 30/6 và hướng tới tháng tăng đầu tiên trong năm nay, khi giá trung bình tháng Sáu của cả hai loại dầu chuẩn trên đà tăng hơn 2%, giữa bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn so với dự đoán và lãi suất có khả năng tăng nhiều hơn.
Mặc dù giá dầu trung bình của tháng tăng đã đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường, nhưng trên cơ sở hàng quý, giá dầu Brent dự đoán giảm khoảng 6% trong khi giá dầu WTI giảm khoảng 7%.
Thị trường đang lo lắng về nguồn cung sẽ bị thắt chặt sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo lượng tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, vượt xa mức giảm 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo.
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và sự sụt giảm lượng dự trữ dầu thô của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh Saudi Arabia đang lên kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng Bảy, bên cạnh một thỏa thuận cắt giảm sản lượng rộng hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Cơ quan phân tích Refinitiv cho biết xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga sẽ giảm xuống 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7, ít hơn 400 thùng/ngày trong tháng 6, do các nhà máy lọc dầu tăng nguồn cung cho thị trường nội địa. Động thái này có thể góp phần thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Tuy nhiên, đà tăng của dầu bị hạn chế một phần bởi dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới - và những lo ngại về lãi suất cao hơn. Một cuộc khảo sát mới đây cho biết hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng Sáu ghi nhận giảm tháng thứ ba liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đã chậm hơn. Bên cạnh đó, hoạt động phi sản xuất cũng ghi nhận giảm. Các dữ liệu này phần lớn phù hợp với dự báo của các nhà phân tích.