Ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện (hình phải) giới thiệu quy trình đóng gói xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn. Nguồn ảnh: UBND huyện Lục Ngạn. |
Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ vải tại thị trường trong nước thì việc quảng bá, xúc tiến xuất khẩu sang Australia, Mỹ, thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn luôn Lục Ngạn đặc biệt quan tâm. Để hướng tới xuất khẩu việc công bố thông tin, nguồn gốc vùng trồng, quy trình sản xuất chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhận được sự ủng hộ của nhiều hộ dân.
Sản xuất vải thiều an toàn không chỉ được thực hiện ở hộ trồng vải tại các thôn mà còn được nhân rộng thành phong trào sản xuất an toàn theo tổ, nhóm, hợp tác xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Năm nay, huyện Lục Ngạn duy trì sản xuất vải ổn định ở mức 15.300 ha với sản lượng 90.000 tấn, trong đó vải sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 75.000 tấn. Trong tổng số diện tích trồng gần 15.300 ha vải thiều thì có 11.423 ha đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 218 ha sản xuất theo GlobalGAP. Tổng diện tích áp dụng theo 2 quy chuẩn trên đạt trên 75%.
"Để tiếp tục nâng cao uy tín, thương hiệu, giá trị sản phẩm, chinh phục và mở rộng đa dạng các thị trường, UBND huyện Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo chăm sóc nâng cao chất lượng và chủ động làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài nước", ông Cao Văn Hoàn khẳng định.
Ông Cao Văn Hoàn cho biết thêm, chất lượng vải thiều của Lục Ngạn mùa vụ này đẹp nhất từ trước tới nay, hầu như không bị sâu đục cuống quả vải. Chúng tôi xác định, sản xuất quả vải thiều theo tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng thì mới đem giá trị thương hiệu, được người tiêu dùng lựa chọn.
Từ nhiều năm nay, huyện Lục Ngạn đã khuyến cáo các hộ trồng vải phải đảm bảo sản xuất đúng quy trình an toàn. Từ năm 2017, huyện Lục Ngạn đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sử dụng tem truy xuất nguồn gốc. Năm nay đổi mới hơn, UBND huyện Lục Ngạn đã hỗ trợ HTX, doanh nghiệp bao bì đóng gói sản phẩm vào túi lưới, hộp xốp, hộp carton nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Cao Văn Hoàn, trong vài năm trở lại đây, vải thiều tại huyện Lục Ngạn tiêu thụ rất thuận lợi, không có tình trạng ứ đọng, phải “giải cứu”. Giá bán phụ thuộc chất lượng, trọng lượng, màu sắc, giống vải, quy trình sản xuất.
Đúng là hiện nay giá bán các loại vải không giống nhau, với loại vải sớm, vải lai Thanh Hà trồng tại huyện Lục Ngạn có mức giá bán 20.000 đồng/kg, loại giá thấp thì sản lượng không đáng kể. Giá bán trung bình từ 14-15.000 đồng/kg, tùy loại.
Vừa qua cũng có tâm lý một số hộ trồng vải lo sợ vải thiều chính vào vụ thu hoạch thì giá vải lai sẽ bị giảm nên đã bẻ non để bán, chăm sóc không đảm bảo nên sâu cuống nên đương nhiên mức giá bán sẽ không cao nhưng số đó không nhiều. Giá vải thiều sớm (còn gọi là vải u hồng) trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang ở mức khá cao, thời điểm cao nhất được thương lái thu mua lên đến 50.000 đồng/kg.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm vải thiều, UBND huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông. Hiện nay cơ bản các thôn huyện Lục Ngạn, các xe tải loại nhỏ 5 tấn đã vào được tận nơi để mua bán vải. Trong 2 năm nay, riêng huyện Lục Ngạn đã hoàn thành cứng hóa trên 240 km đường bê tông, với chiều rộng 3,5m trở lên, xe trên 10 tấn vào được để tiêu thụ vải thuận lợi.