Tại thị trường đại lục, tỷ giá đồng NDT là 7,0240 NDT/1 USD vào 8 giờ 55 phút sáng 5/8 (theo giờ Hà Nội), trong khi tại thị trường bên ngoài, có lúc đồng NDT suy yếu tới 7,1085 NDT/1 USD, trước khi về mức 7,0655 NDT/1 USD.
Lần gần đây nhất tỷ giá vượt ngưỡng 7 NDT là tháng 5/2008.
Diễn biến này xảy ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBOC điều chỉnh tỷ giá trung tâm ở mức 6,9225 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu nhiều sức ép gia tăng do tranh chấp thương mại dai dẳng với Mỹ.
Theo nhận định của nhà phân tích tiền tệ cấp cao Ngân hàng MUFG (Nhật Bản), Masashi Hashimoto, hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng lan rộng và việc PBOC điều chỉnh tỷ giá trung tâm như trên cho thấy Bắc Kinh muốn tìm cách ngăn chặn đà giảm của đồng NDT, chứ không phải định dùng đồng NDT yếu để đối phó với sức ép thương mại của Washington.
Thực tế, tâm lý quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã khiến giới đầu tư tìm kiếm đến kênh đầu tư an toàn khác và điều này đã khiến giá trị đồng yen Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua với tỷ giá quy đổi 106,51 Yên/USD.
Việc đồng NDT suy yếu đã khiến một loạt đồng nội tệ các nước khu vực châu Á giảm theo. Cụ thể, đồng đôla Australia (AUD) giảm 0,5%, còn 0,6770 AUD/USD; đồng won (Hàn Quốc) cũng giảm 1%, gần chạm mức thấp nhất trong 3 năm qua 1.218,3 won/USD.
Trong khi đó, đồng euro tăng 0,15% lên 1,1122 euro/USD, tiếp tục đà phục hồi sau khi đồng tiền châu Âu này giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,1027 euro/USD trong phiên giao dịch ngày 1/8.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến "sắc đỏ" tràn ngập thị trường chứng khoán châu Á sáng đầu tuần 5/8, khiến hầu hết các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại đây giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng rưỡi qua.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã mất 2% điểm, giảm xuống mức thấp nhất so với đầu tháng 6, trong khi các chỉ số chứng khoán tại Australia giảm 1% điểm, đánh dấu phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI mất tới 1,2% điểm, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016.
Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (MSCI) không tính Nhật Bản cũng giảm 1,7% điểm, còn 495,68 điểm - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2019 đến nay và đánh dấu chuỗi ngày "lao dốc" dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2018.
Riêng tại Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán chủ chốt đồng loạt giảm 1% điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm tới 2,2% điểm
Diễn biến của thị trường chứng khoán châu Á phản ánh tâm lý quan ngại của giới đầu tư đang đặc biệt gia tăng liên quan căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện Mỹ đe dọa tăng thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại có giá trị 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9, trong khi Bắc Kinh cũng tỏ ra cứng rắn sẽ có biện pháp đáp trả nếu Washington hiện thực hóa đe dọa này.