Mặc dù TTCK tăng mạnh nhưng thanh khoản thị trường lại giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt gần 900 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 21 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 91 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1,8 ngàn tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1.114 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch hơn 25.441 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, VN-Index mở phiên chiều khá tích cực khi lực cầu xuất hiện ngay từ đầu phiên, đẩy chỉ số liên tục leo dốc và đóng cửa tại mức cao nhất ngày. Trước đó trong phiên sáng, tâm lý giằng co vẫn còn hiện diện dẫn đến động lực tăng điểm của VN-Index chưa có sự bứt phá mạnh khi liên tục dao động quanh mức tham chiếu. Theo đó, VN-Index tăng nhẹ 2,15 điểm, lên mức 1.239,61 điểm; HNX-Index tăng 0,11 điểm, lên mức 235,59 điểm.
Về mức độ ảnh hưởng trong phiên chiều 28/2, VCB là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 9 điểm tăng, tiếp đến là BID (+1,7%), VPB (+2,84%) và TCB (+0,6%). Ngành sản xuất thiết bị, máy móc và ngành khai khoáng có mức tăng cao trong phiên này, lần lượt là 2,3% và 2,12%. Ở chiều ngược lại, ngành tài chính khác có mức giảm mạnh nhất thị trường với -0,86% chủ yếu đến từ mã IPA (-1,24%) và TVC (-2,27%).
Về giao dịch của khối ngoại, khối này tiếp tục mua ròng hơn 247 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã HPG (129,25 tỷ), SSI (54,65 tỷ), TPB (42,68 tỷ) và VPB (41,82 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 11 tỷ đồng, tập trung vào mã SHS (15,46 tỷ) và MBS (9,34 tỷ).
Việc thị trường tăng điểm trong chiều ngày 28/2 không nằm ngoài dự đoán của các công ty chứng khoán và dự đoán VN-Index có thể chạm mốc 1.260 điểm nếu duy trì được thanh khoản cao và dòng tiền phân hóa tốt; đồng thời, có thể do thông tin về phát biểu kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo định hướng phát triển TTCK trong tương lai vào sáng 28/2. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025. Khi trở thành thị trường mới nổi, TTCK sẽ góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm. Điều này đã góp phần cho tâm lý nhà đầu tư thêm hưng phấn.
Tuy nhiên, trong phiên tiếp theo, các nhà phân tích của các ty chứng khoán lo ngại sẽ có những phiên rung lắc chốt lời. CTCK Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng cản để đánh giá lại trạng thái thị trường. Hiện tại, nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ, tuy nhiên cũng nên tận dụng nhịp tăng để chốt lời các cổ phiếu đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự.
Tương tự, CTCK Asean (Aseansc) cũng khuyến nghị nhà đầu tư duy trì sự thận trọng, tận dụng các nhịp rung lắc để cơ cấu lại danh mục và chỉ mở vị thế mua khi thị trường quay trở về kiểm định vùng 1.200 - 1.220 điểm, các hành động mua đuổi và đẩy nhanh tỷ trọng sẽ không còn được ưu tiên. Tỷ trọng khuyến nghị ở ngưỡng 60 - 65% cổ phiếu.
Trong khi đó, theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), VN-Index sẽ sớm chạm mốc 1.260. Vì vậy, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng đối với các cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt như chứng khoán, bất động sản, xây dựng và cân nhắc giải ngân gia tăng đối với các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành nêu trên nếu có tín hiệu vượt kháng cự.