Kết phiên, chỉ số VN-Index đã dừng ở mốc 1.216,16 điểm với mức giảm gần 60 điểm; HNX-Index cũng giảm hơn 11,62 điểm và dừng lại ở 229,71 điểm; VN30-Index giảm gần 57 điểm và dừng lại 1.227,90 điểm.
Nhìn toàn thị trường, sắc đỏ và xanh dương chiếm hầu hết trên bảng giao dịch chứng khoán với 157 mã giảm sàn và 587 mã giảm; chỉ có 136 mã tăng, trong đó có 16 mã tăng trần. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đã ra sức mua ròng với hơn 1.469 tỷ đồng, nhưng vẫn không thể áp đảo bên bán ròng với hơn 2.700 tỷ đồng.
Hầu hết các mã cổ phiếu giảm điểm trong phiên chiều đều nằm trong tốp cổ phiếu bluechips nên số lượng cổ phiếu giao dịch chỉ có hơn 1.695 triệu đơn vị nhưng thanh khoản thị trường đã lên đến gần 38.219 tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm mạnh nhất là BID (giảm hơn 5%), tiếp đến là VCB, CTG, TCB, VHM, VPB, HPG, GVR, GAS, MSN. Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh đã đóng góp cho thị trường giảm đến hơn 26,6 điểm. Tuy nhiên, đứng đầu nhóm ngành giảm mạnh phải kể đến tài chính, tiếp đến là chứng khoán, khai khoán, sản xuất nhựa - hóa chất, bất động sản và chế biến thủy sản…
Trước đó, trong phiên sáng, chỉ số nhập cuộc đầu phiên sáng khá tốt nhưng không duy trì được lâu và nhanh chóng quay đầu chìm trong sắc đỏ. Tính đến 11 giờ 30 phút, phe bán chiếm thế thượng phong, ghìm chỉ số xuống vùng giảm điểm. Kết phiên, VN-Index dừng ở mức 1.270,16 điểm, giảm 6,44 điểm.
Top các cổ phiếu trong VN30 có ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong phiên hôm nay gồm có SHB, GVR, VCB và BID đóng góp tăng hơn 1,7 điểm, trong khi đó nhóm đối lập bao gồm VHM, VIC, TCB và MWG đóng góp giảm gần 2,5 điểm. Ngoài ra, chỉ số chìm trong sắc đỏ cho thấy áp lực đến cả từ cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch chiều ngày 15/4 nằm ngoài mong đợi và dự báo của các công ty chứng khoán. Bởi, theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường trong phiên ngày 15/4 sẽ có tín hiệu cải thiện và có thể kiểm định mốc đỉnh gần nhất tại 1.290 - 1.295 điểm. Tuy nhiên, sự rung lắc và “sập” thị trường trong phiên chiều đã chứng tỏ thị trường đang kiểm định lại trước khi vượt đỉnh tiếp theo trong thời gian tới. Vì vậy, lực cầu bắt đáy có thể vẫn chưa dừng lại ở phiên cuối tuần trước như dự báo của các chuyên gia.
Nhưng với sự tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp trong quý 1/2024, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây chỉ là sự rung lắc và điều chỉnh trong ngắn hạn. Do đó, thời gian tới các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy và lưu ý theo dõi biến động của tỷ giá.
CTCK Yuanta Việt Nam nhận định rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và thị trường vẫn đang ở giai đoạn hồi phục kỹ thuật. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung trong tuần này vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại hoặc chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp.
Tương tự, CTCK BIDV (BSC) cũng dự báo trong tuần này, dòng tiền của thị trường còn đang rất yếu, tiềm ẩn rủi ro rung lắc mạnh. Với tình hình hiện tại, nhà đầu tư cân nhắc giải ngân đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tín hiệu hồi phục ổn định và thu hút dòng tiền tốt như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.