Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 7/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh chính phủ nước này khuyến khích các chương trình kích thích tín dụng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 26/1 công bố số liệu cho thấy tính riêng trong tháng 12/2016, các ngân hàng nước này đã cho vay ròng mới 1.040 tỷ NDT, cao hơn nhiều so với dự đoán trước đó của các chuyên gia kinh tế.
Các chuyên gia phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Anh Reuters trước đó dự đoán lượng cho vay mới sẽ giảm từ mức 794,6 tỷ NDT trong tháng 11/2016 xuống mức 700 tỷ NDT.
Theo tính toán của Reuters dựa theo số liệu của PBoC, tổng lượng cho vay mới của các ngân hàng trong năm qua đã vượt qua tổng giá trị các gói cho vay kích thích kinh tế khổng lồ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Tổng vốn cho vay trong năm 2016 tăng khoảng 8% so với mức cao nhất được ghi nhận trước đó là 11.720 tỷ NDT xác lập ngay trong năm 2015.
Bất chấp đà tạo thúc đẩy tín dụng mạnh chưa từng có của Trung Quốc, một số nhà phân tích đánh giá mỗi đồng NDT được dùng để kích thích kinh tế hiện đang tỏ ra kém hiệu quả hơn trong việc tạo ra một lượng tương đương trong tăng trưởng kinh tế, khi đã tính tới rủi ro của việc gia tăng các vụ vỡ nợ và nợ xấu.
Chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi Zhou Hao thuộc Commerzbank tại Singapore đặt giả thuyết tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc hiện vào khoảng 13% so với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6,7-7%.
Theo ông, “nhìn dài hạn hơn, bạn đang sử dụng một mức tăng trưởng tín dụng giống nhau nhưng tăng trưởng kinh tế thực của bạn lại thấp hơn, nên tín dụng đang trở nên kém hiệu quả”.
Về phần mình, chuyên gia kinh tế David Qu thuộc ANZ nhận định xu hướng tăng cường vay vốn của các doanh nghiệp Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến các khoản cho vay doanh nghiệp dài hạn chiếm tới 67% tổng các khoản cho vay trong tháng 12/2016. Đây là một sự đảo chiều đáng trong những tháng gần đây, khi mà cho vay thế chấp bất động sản chiếm ưu thế.
Ông Qu cho biết tính từ tháng 10/2016 đến nay, hàng chục tỉnh thành ở Trung Quốc đã triển khai các chính sách nhằm kiềm chế hoạt động mua bất động sản để chống nạn đầu cơ giữa bối cảnh giá bất động sản tăng vùn vụt. Tuy nhiên, chính các đồn đoán về việc thu hẹp tín dụng trong năm nay có thể là nguyên nhân dẫn dắt một phần hoạt động cho vay trong tháng 12 vừa qua.
Bất chấp đà tăng chậm lại trong tháng 12/2016, cho vay hộ gia đình vẫn chiếm tới một nửa tổng các khoản cho vay bằng đồng NDT mới trong năm 2016.