Đồng Nhân dân tệ có dấu hiệu “ủ bệnh”

Đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng mau phục hồi sau lần bị phá giá một năm trước đây. Tuy nhiên, các chuyên gia tiền tệ tại Anh lưu ý rằng đà phục hồi này dường như sẽ không bền và đồng NDT có thể đang mang “mầm bệnh” của một cơn xáo động mới.

Kiểm đồng NDT tại một ngân hàng ở Bắc Kinh ngày 9/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia tiền tệ đưa ra nhận định trên trong bối cảnh lượng tiền gửi bằng đồng NDT ở hải ngoại đang trong chiều hướng sụt giảm.

Từ đầu năm tới nay, đồng NDT chỉ giảm giá một vài phần trăm so với đồng USD, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngừng giảm và chênh lệch giữa tỷ giá đồng NDT ở thị trường trong nước và nước ngoài gần như không còn.

Tuy nhiên, giới phân tích tiền tệ tại Anh lưu ý rằng đà phục hồi này có thể sẽ không kéo dài. Mặc dù tỷ giá đồng NDT hiện ổn định hơn, song lượng tiền gửi bằng đồng NDT ở hải ngoại tiếp tục giảm, hiện giảm gần 1/3 so với năm ngoái, xuống chỉ còn 180 tỷ USD.

Chiều hướng sụt giảm về lượng tiền gửi bằng đồng NDT ở hải ngoại cho thấy lòng tin vào đồng NDT đang trở nên khá mong manh, đồng thời là một dấu hiệu cảnh báo về khả năng xảy ra một cơn xáo động tiền tệ mới đối với đồng NDT trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm về lượng tiền gửi bằng đồng NDT ở hải ngoại phản ánh việc các công ty Trung Quốc đang sử dụng các quỹ bằng đồng NDT để trả nợ nước ngoài. Đồng thời, nó cũng làm gia tăng các rủi ro liên quan tới việc vay mượn ngoại tệ.

Ngoài ra, lượng đồng NDT ở hải ngoại giảm cũng cho thấy sự thay đổi về lòng tin của giới đầu tư và các cá nhân trong việc nắm giữ hay đầu tư vào đồng NDT. Một điểm đáng lưu ý nữa là lượng tiền gửi bằng đồng NDT ở hải ngoại giảm bất chấp thặng dư thương mại của Trung Quốc hiện ở mức cao. Việc các nhà xuất khẩu không muốn chuyển lợi nhuận bằng ngoại tệ của mình sang đồng NDT là một dấu hiệu cho thấy đồng NDT sẽ rớt giá trong tương lai.

Sức ép lên đồng NDT sẽ gia tăng khi dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc tăng lên một khi FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Cách đây 12 tháng, chính những mối quan ngại xung quanh việc FED sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong một thập niên đã khiến PBoC đi tới hành động phá giá đồng NDT.

Dự trữ đồng NDT tại PBoC hiện giảm còn 3.200 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức cao đỉnh điểm 4.000 tỷ USD của năm 2014. Tỷ giá đồng NDT đã giảm mạnh từ 1 USD đổi 6,11 NDT xuống còn 6,40 NDT hồi tháng 8/2015.

Việc FED khởi động chuỗi tăng lãi suất hồi cuối năm ngoái đã khiến PBoC ấn định tỷ giá đồng NDT ở mức 1 USD đổi 6,56 NDT vào đầu năm nay. Đồng NDT tháng vừa qua tiếp tục giảm xuống mức 1 USD ăn 6,70 NDT trước khả năng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong Hè này.

TTXVN/Tin Tức
Kịch bản “lạnh gáy” của đồng nhân dân tệ
Kịch bản “lạnh gáy” của đồng nhân dân tệ

Đối với các nước mà kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, khi đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc rớt xuống mức này, đây thực sự là nỗi lo ngại rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN