Các biện pháp bao gồm giảm phí giao dịch chứng khoán, hạ thấp ngưỡng quy định khi đăng ký quỹ đầu tư chỉ số và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư cổ phiếu.
Để nâng cao sức hấp dẫn của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, CSRC cho biết họ sẽ tạo điều kiện cho các công ty khoa học công nghệ có các công nghệ cốt lõi trong hoạt động niêm yết cổ phiếu, huy động vốn, phát hành trái phiếu cũng như mua bán và sáp nhập. Cơ quan này cũng cam kết hỗ trợ nghiệp vụ mua lại cổ phiếu.
CSRC đang xem xét kéo dài thời gian giao dịch của các cổ phiếu hạng A và thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu giao dịch và đầu tư. Cơ quan này tuyên bố sẽ nỗ lực mở rộng danh sách các cổ phiếu trong chương trình Kết nối chứng khoán giữa thị trường Trung Quốc Đại lục và thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Theo các nhà quan sát, những động thái trên được đưa ra nhằm xoa dịu mối lo ngại của nhà đầu tư trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang sa sút và lo ngại ngày càng gia tăng về "thể trạng" của nền kinh tế này.
Tâm lý tiêu cực đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên 18/8, qua đó khép lại một tuần tồi tệ nữa đối với các chỉ số chứng khoán chính của nước này. Tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 2,05%, tương đương 375,78 điểm, xuống 17.950,85 điểm. Còn tại sàn giao dịch Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite giảm 1%, tương đương 31,79 điểm, xuống 3.131,95 điểm.
Giá cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc được niêm yết tại thị trường Hong Kong giảm 1,2%, sau khi tập đoàn bất động sản Evergrande đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án Mỹ. Khủng hoảng thanh khoản dường như đang lan sang các lĩnh vực rộng lớn hơn tại Trung Quốc như ngân hàng, khi tập đoàn tài chính Zhongzhi thông báo với các nhà đầu tư rằng họ cần phải cơ cấu lại nợ.