Tại phiên chiều 18/8, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hạ 0,6%, chỉ cách mức thấp nhất chín tháng ghi nhận trong phiên trước đó chút ít, khiến tổng mức giảm trong cả tuần qua đạt 3,4% và đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản 175,24 điểm (0,55%), xuống 31.450,76 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 1/6. Những thông tin tiêu cực mới từ thị trường bất động sản Trung Quốc và lo ngại Mỹ sẽ kéo dài lộ trình năng lãi suất đã đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư trong phiên này.
Các nhóm ngành dẫn đầu đà giảm của chỉ số Nikkei 225 trong phiên cuối tuần là năng lượng, khí đốt, bán lẻ và xây dựng. Dữ liệu ngày 18/8 cho thấy lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã chậm lại trong tháng Bảy, điều này hỗ trợ những dự đoán rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ không vội dỡ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng chứng kiến phiên giảm thứ sáu liên tiếp, chạm mức thấp nhất ba tháng, giữa bối cảnh thị trường dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, trong khi rủi ro từ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đe dọa sẽ ảnh hưởng rộng hơn tới nền kinh tế. Chỉ số Kospi giảm 15,35 điểm (0,61%) trong phiên cuối tuần, xuống 2.504,50 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 18/5.
Những lo ngại ngày càng gia tăng về nền kinh tế Trung Quốc và cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản đã tác động mạnh đến thị trường chứng Trung Quốc trong phiên 18/8, qua đó khép lại một tuần tồi tệ nữa đối với các chỉ số chứng khoán chính của nước này. Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 2,05%, tương đương 375,78 điểm, xuống 17.950,85 điểm. Còn tại sàn giao dịch Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite giảm 1%, tương đương 31,79 điểm, xuống 3.131,95 điểm.
Giá cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc được niêm yết tại thị trường Hong Kong giảm 1,2%, sau khi tập đoàn bất động sản Evergrande đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án Mỹ. Khủng hoảng thanh khoản dường như đang lan sang các lĩnh vực rộng lớn hơn tại Trung Quốc như ngân hàng, khi tập đoàn tài chính Zhongzhi thông báo với các nhà đầu tư rằng họ cần phải cơ cấu lại nợ.
Diễn biến ảm đạm tại thị trường châu Á cũng lan sang phiên mở cửa ngày 18/8 tại thị trường châu Âu, với chỉ số EUROSTOXX 50 giảm 0,3%.
Phiên trước, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, chạm mức cao nhất của 15 năm hôm 16/8, đã tăng hơn 4,3%. Lợi suất tăng giữa lúc nhiều lo ngại về việc Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất hoặc có thể để lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để chống lại lạm phát.
Một loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ vừa được công bố, bao gồm cả sự sụt giảm trong số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới không giảm tốc như dự báo khi đối mặt với chi phí vay nợ cao, khiến các nhà giao dịch giảm bớt tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Tại Việt Nam, khép phiên giao dịch 18/8, chỉ số VN-Index giảm 55,49 điểm (4,5%) xuống 1.177,99 điểm, còn chỉ số HNX-Index lùi 14,01 điểm (5,06%) xuống 235,96 điểm.