Giá cà phê tăng vọt ngay khi tồn kho giảm
Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ trong một ngày cuối tháng 11, giá cà phê Arabica trên Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE-US) đã tăng gần 7% - mức cao nhất trong hơn 5 tháng và là phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2022. Điều này cũng khiến giá Robusta đi lên mức cao kỷ lục trong một tháng và cà phê nhân xô của Việt Nam vượt mốc 60.000 đồng/kg.
Lý do là trong báo cáo ngày 29/11, Sở ICE-US đã thông báo tồn kho Arabica đạt chuẩn giảm 33.764 bao loại 60kg, về mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Dữ liệu này đã nhanh chóng gây bất ngờ cho thị trường và đẩy lực mua tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 30/11.
Trước đó, tồn kho cà phê châu Âu tính đến hết tháng 10 cũng giảm về mức thấp nhất kể từ 2017, theo công bố từ Liên đoàn Cà phê Châu Âu (ECF). Đồng thời, vào cuối tháng 8, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU cũng chạm mức thấp nhất từng ghi nhận kể từ năm 2016, với hơn 33.000 tấn (khoảng 550.000 bao loại 60kg).
Nhận định tình hình, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc MXV cho rằng giá Arabica bất ngờ tăng vọt khi tồn kho đạt chuẩn giảm sâu là điều tất yếu. Hơn nữa, thị trường còn đang bị ảnh hưởng lớn do kỳ vọng giá tăng của giới đầu cơ. Tuy nhiên, đà tăng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn do Sở ICE-US đang tiếp nhận đơn hàng bổ sung từ các quốc gia cung ứng chính.
Tồn kho thúc đẩy yếu tố cung - cầu sôi động trở lại
Bên cạnh yếu tố bất ngờ khi dữ liệu tồn kho đột ngột giảm sâu ngay trong khi đang có những tín hiệu tích cực, thị trường cũng quan tâm lý do khiến tồn kho tại hầu hết các thị trường nhập khẩu chính lại đồng loạt thấp kỷ lục.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Dũng cho rằng nguyên nhân chính khiến tồn kho thấp kỷ lục lần này chủ yếu xuất phát từ lượng cà phê nhập khẩu tại các quốc gia tiêu thụ hàng đầu đang thấp hơn nhu cầu thực tế. Nguồn cung tại các nước xuất khẩu lớn đều ở mức thấp, thậm chí Việt Nam còn xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung vào cuối niên vụ 2022/23. Trong khi, nhu cầu tại các quốc gia nhập khẩu tương đối ổn định dù giai đoạn kinh tế khó khăn nhất. Các quốc gia này thực hiện chiến lược thay thế Arabica bằng Robusta, chứ không cắt bỏ lượng cà phê tiêu thụ.
Đứng trước những thông tin quan trọng về tồn kho, hoạt động thương mại cà phê thế giới những ngày cuối năm có thể sẽ sôi nổi hơn và tạo cơ hội để yếu tố cung - cầu trở lại làm chủ thị trường, thay vì sự chi phối của tâm lý đầu cơ như thời gian qua.
Nhìn chung, triển vọng nguồn cung đang khá tích cực tại các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu. Đặc biệt, nguồn cung dần sẵn có tại Việt Nam khi nông dân đang bước vào thời điểm thu hoạch tập trung. Từ tháng 11, nguồn cung cà phê vụ mới cũng bắt đầu được cung ứng cho thị trường. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng, cả nước đã xuất đi gần 40.000 tấn cà phê, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ tháng 10.
Song hành với những tín hiệu tích cực từ nguồn cung, lượng cà phê nhập khẩu trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng trưởng tốt. Tình hình kinh tế tại Mỹ và châu Âu đang dần hồi phục sẽ thúc đẩy tiêu thụ, kết hợp cùng nhu cầu bù đắp mức tồn kho thấp kỷ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, lượng cà phê nhập khẩu tại Mỹ và Châu Âu trong niên vụ 2023/24 sẽ tăng 8,14% so với niên vụ 2022/23, lên 75,8 triệu bao, chiếm hơn một nửa lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu.
Hai “ngã rẽ” cho chiến lược xuất khẩu cà phê năm tới
Không chỉ tại các nước nhập khẩu, tồn kho cũng đang là vấn đề đáng lưu ý đối với doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Theo báo cáo từ USDA, tồn kho cà phê cuối niên vụ 2022/23 của Việt Nam chỉ ở mức 339.000 bao loại 60kg, mức thấp thứ hai trong 15 năm trở lại đây.
Nguyên nhân cho mức tồn kho thấp kỷ lục này phần lớn xuất phát từ vấn đề nguồn cung. Xuất khẩu cà phê đạt mức cao kỷ lục 1,78 triệu tấn trong niên vụ 2021/22, cùng sản lượng niên vụ 2022/23 sụt giảm 10 - 15% do ảnh hưởng xấu từ thời tiết, khiến lượng cà phê trong niên vụ 2022/23 không đủ đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Và tất yếu, lượng cà phê dành cho dự trữ cũng bị rút bớt để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu, đẩy số liệu này trượt dốc từ mức 3,58 triệu bao xuống chỉ còn 339.000 bao.
Trong bối cảnh các quốc gia tiêu thụ cà phê chính sẽ đẩy mạnh nhập khẩu và Việt Nam dự kiến trở thành nguồn cung cà phê chủ đạo cuối năm 2023, đầu năm 2024 có thể đưa ra hai “ngã rẽ” cho chiến lược xuất khẩu cà phê.
Thứ nhất, doanh nghiệp có thể ưu tiên việc đảm bảo vấn đề nguồn cung nói chung và tồn kho nói riêng. Các chiến lược xuất khẩu cà phê cần đưa ra một cách thận trọng để duy trì được lượng cà phê xuất đi ổn định và tạo nên nguồn dự trữ vững chắc cho tương lai, tránh những biến cố bất ngờ.
Thứ hai, doanh nghiệp tạm thời ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu để thu lợi nhuận trong niên vụ mới. Đây sẽ là điều cần thiết để doanh nghiệp hồi phục sau một năm kinh tế nhìn chung có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chiến lược này lại chưa mang tính phát triển về dài hạn.
Dù hướng lựa chọn như thế nào, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt cũng cần cân nhắc cẩn trọng để mục tiêu chung là hướng tới sự phát triển của ngành cà phê, cũng như lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp và người trồng cà phê Việt Nam.