Lực mua và bán cân bằng khiến chỉ số MXV- Index chốt ngày hôm qua không có sự thay đổi, duy trì ở mức 2.394 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 3.000 tỷ đồng.
Dầu thô quay đầu suy yếu
Phiên giao dịch ngày 14/02 của mặt hàng dầu thô tiếp tục là một phiên đầy biến động khi thị trường này liên tiếp đón nhận các tác động từ yếu tố cung cầu và dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 1 đặt ra những dự đoán của nhà đầu tư về chiến lược của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Giá dầu WTI giảm 1,35% xuống 79,06 USD/thùng và dầu Brent giảm 1,19% về mức 85,58 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 6% trước thông tin doanh thu từ tập đoàn cung cấp khí đốt hàng đầu Gazprom của Nga có thể đã giảm trong tháng 1 xuống còn 3.4 tỷ USD từ 6,3 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái sau khi nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu suy giảm, gây ra lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu mở cửa với mức giá thấp hơn giá tham chiếu của phiên trước đó, chịu sức ép từ việc Mỹ sẽ bán thêm khoảng 26 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR). Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc SPR của Mỹ sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 40 năm, cùng kỳ vọng nhu cầu có thể gia tăng đã khiến giá dầu diễn biến tương đối giằng co.
Lực bán được thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong phiên tối, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 1 cao hơn kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 ghi nhận mức tăng 6,4% so với cùng kỳ 2022, cao hơn dự báo với mức tăng 6.2% và chỉ hạ nhiệt nhẹ so với con số 6,5% vào tháng trước đó. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ còn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy tỷ lệ ý kiến cho rằng lãi suất ở mức 5,25 – 5,5% trong tháng 6 đã tăng lên 53% so với mức 42% trước thời điểm báo cáo. Thông tin này cũng đã củng cố sức mạnh của đồng USD và ngay lập tức kéo giá dầu đánh rơi gần 2 USD/thùng ngay sau đó.
Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu được dự báo khởi sắc hơn trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 2 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạn chế đà giảm của giá dầu. Nhóm đã nâng dự báo về lượng dầu thô cần bơm trong năm nay thêm 250,000 thùng/ngày lên mức trung bình 29,42 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 2. Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm trước, tương đương 2.3%. Con số dự báo cao hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, với kỳ vọng tiêu thụ tại các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc sẽ sớm bùng nổ. OPEC dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 590.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với dự báo tháng trước là 510.000 thùng/ngày, đồng thời lạc quan hơn về triển vọng kinh tế, khi nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 từ 2,5% lên 2,6%.
Trong khi đó, nhu cầu trong ngắn hạn vẫn đang tạo ra sức ép nhất định cho giá dầu. Báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) trong sáng nay cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/2 tăng mạnh 10,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 1,2 triệu thùng, trong khi các sản phẩm xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng, nhiều khả năng sẽ gây sức ép tới giá dầu trong phiên mở cửa hôm nay.
Cà phê Arabica đảo chiều tăng gần 4%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục khởi sắc nhờ hỗ trợ của Dollar Index.
Arabica tăng phiên thứ 2 liên tiếp với sự dẫn dắt chủ yếu từ Dollar Index, đóng cửa giá tăng 3,68%. Theo đó, CPI tháng 01 của Mỹ đạt 6,4%, giảm nhẹ 0,1% so với tháng 12/2022, là một dấu hiệu cho thấy sự hạ nhiệt của lạm phát. Điều này đã khiến Dollar Index suy yếu từ đó hỗ trợ giá Arabica nối tiếp đà tăng trong phiên hôm qua.
Nhờ lực kéo từ Arabica và sự suy yếu của Dollar Index, giá Robusta trong phiên hôm qua cũng ghi nhận mức tăng hơn 1%. Bên cạnh đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục đà giảm xuống 59.350 tấn dù đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Sau phiên giảm hôm trước, giá đường thô đã nhanh chóng trở lại đà tăng với mức tăng gần 2% trong phiên hôm qua. Sản lượng được dự kiến sẽ có sự nới lỏng tại Brazil, đặc biệt là khu vực Trung Nam, vùng sản xuất đường chính của quốc gia này, có thể sẽ khiến giá đường suy yếu trở lại sau những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung do mưa lớn ảnh hưởng đến mùa vụ mía đường của Ấn Độ.
Dầu cọ đã hồi phục sau 3 phiên liên tiếp sụt giảm. Theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 345.080 tấn sản phẩm dầu cọ trong 10 ngày đầu tháng này, tăng 39,3% so với mức 247.711 cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, Công ty khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance (SGS) ước tính, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 10 ngày đầu tháng 02 của Malaysia đạt 323.280 tấn, tăng 23,3% so với mức 262.201 tấn cùng kỳ tháng trước. Triển vọng nhu cầu cải thiện trước tháng lễ hội Hồi giáo Ramadan đang hỗ trợ giá.
Giá cà phê nội địa tăng mạnh
Trên thị trường nội địa, theo sát xu hướng giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng mạnh 500 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua ở khoảng 44.200 – 44.900 đồng/kg.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1 vừa qua, cả nước đã xuất khẩu 142,5 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch hơn 310 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đã giảm mạnh đến 38% cả về lượng và giá trị. Tuy nhiên, theo MXV, xuất khẩu giảm đột biến trong tháng 1 nguyên nhân chủ yếu do bà con hạn chế bán hàng nghỉ Tết Nguyên Đán. Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Lễ, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay đã tăng 2% về lượng và chỉ giảm 3,6% về trị giá.