Bất chấp sự suy yếu của nhóm năng lượng, đà tăng rất mạnh của các mặt hàng cà phê, đường, nông sản và kim loại, đã thúc đẩy xu hướng tăng tích cực của toàn thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua.
Giá dầu biến động mạnh
Giá dầu ghi nhận phiên giao dịch ngày 8/6 đầy biến động, với dầu WTI đã có thời điểm rơi xuống sát mốc 69 USD/thùng trước khi lấy lại đà phục hồi. Kết phiên, đà giảm của giá dầu được thu hẹp một phần, dầu WTI đóng cửa ở mức 71,29 USD/thùng, giảm 1,71% so với mốc tham chiếu. Giá dầu Brent giảm 1,29% xuống 75,96 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh khoảng 3 USD/thùng trước những thông tin xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran, do kỳ vọng một lượng cung dầu lớn từ Iran sớm được quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, giá đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi vào cuối phiên khi Mỹ và Iran chính thức lên tiếng.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran kể từ khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ bị đổ vỡ.
Mặc dù vậy, giá dầu nhìn chung vẫn gặp áp lực trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và Châu Âu, và kết thúc phiên ngày 8/6 trong sắc đỏ.
Khu vực đồng Euro bước vào “suy thoái kỹ thuật” sau khi điều chỉnh dữ liệu tăng trưởng quý I/2023, đưa nền kinh tế khu vực tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp. Khối 20 thành viên đã báo cáo tốc độ tăng trưởng đạt mức -0,1% trong quý đầu năm 2023, theo ước tính sửa đổi từ văn phòng thống kê của khu vực.
Tại Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 3/6 tăng 28.000 lên 261.000, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, cho thấy tác động của các cuộc sa thải bắt đầu có ảnh hưởng.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu khác tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ và thận trọng trong việc chống lạm phát. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, gây sức ép tới giá dầu trong phiên.
Giá cà phê, đường tăng vọt
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Lo ngại ảnh hưởng xấu từ hiện tượng El Nino đến mùa vụ cà phê và đường tại các quốc gia Nam Mỹ và Châu Á là yếu tố thúc đẩy giá tăng vọt của hai nhóm hàng này.
MXV cho biết, do khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất của El Nino là Châu Á và Nam Mỹ, khu vực sản xuất đường lớn trên thế giới, thông tin về hiện tượng thời tiết cực đoan trên đã kéo giá hai mặt hàng đường tăng vọt, lần lượt là 4% với đường 11 và gần 3% với đường trắng.
Các chuyên gia nhận định, El Nino mạnh có thể ảnh hưởng đến sản xuất đường ở Ấn Độ và Thái Lan, đồng thời có thể làm gián đoạn vụ thu hoạch mía ở Brazil. Thông tin này đối nghịch với kỳ vọng tích cực về nguồn cung đường thời gian gần đây nhờ mùa vụ tốt tại Brazil.
Đối với nhóm cà phê, giá Arabica tăng mạnh 5,10% so với tham chiếu, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 1 phiên của mặt hàng này kể từ cuối tháng 1/2023.
Thị trường phản ứng mạnh mẽ với thông tin hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đã bắt đầu và khả năng cao sẽ gây ảnh hưởng xấu đến mùa vụ cà phê của các nước sản xuất chính.
Cụ thể, Trung tâm Dự đoán Khí hậu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho biết, kiểu thời tiết El Nino đã xảy ra, gây rủi ro cho sản xuất cà phê.
Trong ngắn hạn, khối không khí lạnh xuất phát từ phía Nam Brazil đang tiến dần đến khu vực Đông Nam, vùng sản xuất cà phê chính có thể gây ra hiện tượng sương giá và các cơn mưa theo sau đó, làm gián đoạn hoạt động thu hoạch cà phê.
Trong dài hạn, hiện tượng El Nino có thể khiến sản lượng cà phê tại Brazil trong niên vụ tiếp theo sụt giảm do lượng mưa tăng cao đột biến, giảm sự phù hợp đối với quá trình sinh trưởng của cà phê tại Brazil.
Ảnh hưởng xấu từ hiện tượng El Nino đối với mùa vụ cà phê cũng là nguyên nhân chính đẩy giá Robusta tăng 3,22% trong phiên hôm qua, lên mức cao nhất trong 15 năm.
Báo cáo mới nhất của NOAA cho biết, El Nino sẽ gây hiện tượng khô hạn, khiến sản lượng cà phê suy giảm tại các quốc gia Châu Á, đặc biệt tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo nguồn cung Robusta sẽ ở mức thấp trong niên vụ 2023/24 tại cả 3 quốc gia sản xuất hàng đầu. Những thông tin trên làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung Robusta đã tồn tại từ trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (9/6), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ mức tăng vọt lên đến 2.100 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước đạt mức kỷ lục mới, vượt mốc 65.000 đồng/kg. Hiện tại, giá cà phê trong nước dao động trong khoảng 64.500 - 65.200 đồng/kg. Với những tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đang tiến rất gần với mục tiêu phá vỡ kỷ lục giá trị xuất khẩu cà phê 4 tỷ USD của năm 2022.