Xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt động TMĐT
Kế hoạch “Phát triển TMĐT TP Hồ Chí Minh năm 2023” nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động TMĐT trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cũng như triển khai các chương trình phát triển TMĐT.
Kế hoạch đồng thời nhằm đào tạo, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT trong công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hoạt động kinh doanh TMĐT tuân thủ đúng quy định pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch TMĐT...
Chương trình cũng nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các giao dịch TMĐT; đẩy mạnh hình thức kinh doanh TMĐT, mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, chương trình còn nhằm hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, là địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động TMĐT của Việt Nam, TP Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương có thị trường hoạt động TMĐT sôi động, thuộc loại lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước.
Các kênh phân phối TMĐT được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch TMĐT gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,…), thanh toán trên internet…
Theo nhận định của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố đã và đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do bùng bùng phát dịch COVID -19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (2020 - 2021), nhiều nhà bán lẻ công nghệ đã “kích hoạt” các kênh bán hàng online. Các hệ thống bán lẻ, các sàn TMĐT đẩy mạnh bán hàng online, hỗ trợ giao hàng miễn phí tại nhà... Đây là giai đoạn hoạt động TMĐT “bùng phát” mạnh mẽ và kể từ đó, người dân đã bắt đầu quen dần với hình thức mua bán hàng online, góp phần thúc đẩy phát triển TMĐT tại thành phố mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Siết chặt quản lý thuế trên sàn TMĐT
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan quản lý thuế, mặc dù bán lẻ trên các sàn TMĐT phát triển mạnh nhưng việc quản lý thuế còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp quản lý thuế theo hướng xác định doanh thu, thu nhập trên môi trường mạng, kinh doanh TMĐT, các nền tảng số, mạng xã hội… Như vậy, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh liên quan đến TMĐT, trên môi trường mạng phải tự giác kê khai nộp thuế theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng 6 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, Cục thuế đã xử lý truy thu và phạt số tiền 85 tỷ đồng. Mặc dù số tiền nộp ngân sách từ TMĐT không quá lớn, nhưng đã góp phần đưa công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT dần vào nề nếp, tạo ra môi trường công bằng, bình đẳng trong kinh doanh trên địa bàn thành phố
Để đạt được kết quả này, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ngân hàng thương mại xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có giao dịch chuyển tiền với các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube, Tiktok… từ đó phát hiện, xác định các tổ chức cá nhân có thu nhập từ các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thu từ hoạt động quảng cáo… để thực hiện quản lý thu và xử lý theo theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, Cục thuế cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, nhất là các đơn vị giao nhận được uỷ quyền thu tiền khi giao hàng (hình thức COD). Qua đó, xác định được các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT để quản lý thuế đối với các đơn vị này.
Các giải pháp chống thất thu chủ yếu tập trung truy vết các cá nhân có hoạt động kinh doanh trên TMĐT; tổ chức, cá nhân cư trú trong nước có phát sinh thu nhập từ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên các nền tảng số (sản xuất nội dung số, ứng dụng số); các cá nhân kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, zalo…) và cung cấp dịch vụ TMĐT (dịch vụ lưu trú trực tuyến như AirBnB, Traveloka, Agoda…).
Ngoài ra, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp là chủ sàn TMĐT, các doanh nghiệp hoạt động trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán và các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT thông qua khai thác dữ liệu trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế.
Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục Thuế sẽ thanh tra, kiểm tra 4 doanh nghiệp TMĐT trọng điểm, đối chiếu với dữ liệu do cơ quan hải quan cung cấp để có biện pháp quản lý thu thuế hiệu quả các đối tượng này.
Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đối chiếu dữ liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp để có được các khoản thu nhập phát sinh từ nước ngoài của các tổ chức, cá nhân trong nước do cung cấp dịch vụ cho Google, Apple, YouTube, Facebook hay Netflix… để xử lý truy thu thuế theo quy định. Hiện tại, các loại thông tin dữ liệu này đang được ngân hàng trên địa bàn cung cấp theo định kỳ.