Tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình vui Tết Trung thu 2016 với những chương trình nghệ thuật truyền thống cho trẻ em. Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN |
* Tại Bạc Liêu: Năm nay, thị trường Tết Trung thu khởi động khá sớm. Ngay từ những ngày đầu tháng 8 (âm lịch), nhiều tuyến đường trong nội ô TP. Bạc Liêu như Trần Huỳnh, Bà Triệu, Hai Bà Trưng… đã xuất hiện nhiều gian hàng trưng bày bánh Trung thu của các thương hiệu lớn như Đồng Khánh, Kinh Đô, Bibica… Bánh Trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã và có mức giá chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10% so với năm trước. Đơn cử như bánh Trung thu cao cấp "Trăng vàng'' của hãng Kinh Đô được bán với mức giá từ 550.000 đồng/hộp. Riêng các loại bánh cao cấp Trung thu của hãng Bibica có giá từ 250.000 - 350.000 đồng/hộp. Còn các dòng sản phẩm bánh nướng truyền thống giá từ 35.000 - 55.000 đồng/cái.
Nhân viên bán hàng tại quầy bánh Kinh Đô trên đường Hai Bà Trưng (phường 3, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Để đón đầu thị trường, từ đầu tháng 8 âm lịch, công ty đã mở nhiều gian hàng trưng bày bánh Trung thu. Ngoài việc mua bánh để thưởng thức, cũng có nhiều người đặt bánh với số lượng lớn để biếu tặng. Năm nay, giá bánh Trung thu chỉ tăng từ 3 - 10% so với năm 2015. Nét mới của Kinh Đô năm nay là sản xuất thêm bánh Trung thu bào ngư và bánh Trung thu dành cho trẻ em hình cá vàng và hình lợn vàng (giá 35.000 đồng/cái). Khách hàng mua 2 cái sẽ được tặng lồng đèn”.
Bên cạnh đó, mấy ngày nay, các lò bánh truyền thống trên địa bàn TP. Bạc Liêu cũng tất bật không kém. Chủ cơ sở sản xuất bánh Huỳnh Minh Thành phường 2, TP. Bạc Liêu nhận xét: “Càng gần đến Tết Trung thu thị trường càng khó đoán. Hiện nay, cơ sở chỉ làm một ít bánh theo nhu cầu biếu tặng của khách, đến mùng 9/8 (âm lịch) mới bắt đầu sản xuất bánh với số lượng lớn. Chúng tôi giữ nguyên giá bán. Ngoài chú trọng đến chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp còn đầu tư bao bì, mẫu mã mới bắt mắt, khẩu vị thích hợp với nhu cầu ẩm thực của người tiêu dùng như năm trước”.
Cùng với các mặt hàng bánh Trung thu, năm nay nhiều người làm bánh ''bán tại nhà'' hoặc kinh doanh mặt hàng này. Các loại bánh này được làm tại nhà với số lượng ít nên được chú trọng về chất lượng, phong phú về hương vị, từ trà xanh, hạt sen, thập cẩm… Loại bánh “bán tại nhà'' này thu hút nhiều người mua, đặc biệt là nhóm khách hàng làm việc ở các cơ quan, công sở.
* Tại Đà Nẵng: Ngược lại với Bạc Liêu, chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Trung thu nhưng thị trường bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em tại thành phố Đà Nẵng lại khá trầm lắng.
Ghi nhận dọc các tuyến phố Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Âu Cơ... tại Đà Nẵng có nhiều quầy bánh Trung thu kê san sát bày bán những thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Đồng Khánh, Bibica, Yến sào Khánh Hòa... với đủ màu sắc, mẫu mã bắt mắt. Tuy nhiên, các gian hàng này đều trong tình trạng "vắng khách".
Thời tiết tại Đà Nẵng không thuận lợi khiến chị Trương Thị Thanh Hồng, chủ quầy bán bánh Trung thu Kinh Đô trên đường Điện Biên Phủ cảm thấy lo lắng khi lượng bánh vẫn còn nhiều mà Tết Trung thu đã cận kề. Chị Hồng cho biết, đến thời điểm hiện tại sức mua kém hơn năm trước rất nhiều. Dù quầy hàng của chị đã được mở cửa cách đây một tháng nhưng các loại bánh bán ra rất chậm. Đặc biệt, trong 1 tuần nay, do trời mưa nên mỗi ngày chỉ bán được trên 10 hộp. Chị Hồng mong muốn những ngày tới sẽ có đông khách đến mua hàng.
Giá cả của từng thương hiệu bánh có sự khác nhau, bánh Trung thu Bibica có giá bình quân dao động từ 37.000 đồng đến 140.000 đồng/cái cho dòng bánh thường và từ 370.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/hộp cho dòng bánh sang trọng, cao cấp. Bánh Trung thu Kinh Đô có mức giá dao động từ 35.000 đồng/cái đến loại cao cấp nhất là 460.000 đồng/cái, đặc biệt bánh Trung thu Kinh Đô thượng hạng có giá từ 570.000 đồng đến 3 triệu đồng/hộp, tùy số lượng bánh từ 4-6 cái bánh/hộp.
Một nhân viên bán hàng bánh Trung thu Kinh Đô trên đường Điện Biên Phủ cho biết, từ giữa tháng 7 âm lịch, cửa hàng đã nhập về khoảng 10.000 bánh Trung thu để bày bán nhưng đến nay mới bán được hơn 40%. Mặc dù cửa hàng đã giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau từ phát tờ rơi, giao hàng tận nhà đến bán hàng trên các trang mạng xã hội nhưng cũng rất ít khách hỏi mua.
Cũng giống như bánh Trung thu, tại nhiều tuyến phố Hùng Vương, Điện Biện Phủ, Âu Cơ, Ông Ích Khiêm... các quầy hàng đồ chơi đã bày bán đa dạng các chủng loại mặt hàng nhưng không khí mua sắm khá vắng vẻ. Cô Ngọc Trâm chủ cửa hàng bán đồ chơi Trung thu trên đường Điện Biên Phủ cho biết, hầu hết các sản phẩm đồ chơi Trung thu là hàng thủ công, đặc biệt là các mặt hàng đầu lân, trống, đèn lồng... được sản xuất tại các làng nghề truyền thống tại thành phố Hội An (Quảng Nam). Giá cả các mặt hàng vẫn tương đương với mùa Trung thu năm ngoái dao động từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng/sản phẩm. Do thời tiết không thuận lợi nên rất ít người mua hàng.
Chị Trần Thị Hương, trú tại đường Nguyễn Khuyến, quận Liên Chiểu chia sẻ, năm nào cũng vậy, đến Tết Trung thu là chị đều chuẩn bị quà cho các con. Năm nay, các đồ chơi truyền thống được bán nhiều hơn so với những năm trước đây, giá cả phải chăng, màu sắc bắt mắt nên không khó để chị Hương chọn mua. Các con chị Hương rất xem múa lân sư rồng nên chị đã mua một cái trống nhỏ và một chiếc đầu lân về làm quà cho con. Từ những món quà nhỏ này, giúp các con chị Hương hiểu hơn về các trò chơi truyền thống của dân tộc trong ngày Tết Trung thu.
Còn anh Lê Hồng Phúc, trú tại quận Thanh Khê cho biết, trung thu năm nay, gia đình sẽ đưa các bé đi Công viên Châu Á - Asia Park Đà Nẵng để tham quan và tham gia Lễ hội đèn lồng được tổ chức tại đây, từ ngày 9-16/9.
Theo quan sát các mặt hàng đồ chơi nhập ngoại như những chiếc đèn lồng có hình dáng các nhân vật hoạt hình, siêu nhân, các nhân vật hoạt hình vẫn được bày bán với giá rẻ chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, những mặt hàng này rất ít người hỏi mua.