Bánh trung thu thủ công hiện vẫn giành được thiện cảm của người tiêu dùng. |
Hơn 2 tuần nữa mới đến Rằm Tháng 8, nhưng hiện trên khắp các phố phường Hà Nội đã xuất hiện các quầy bán bánh Trung Thu của nhiều thương hiệu, mẫu mã đa dạng, phong phú, phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân. Tuy vậy, khách hàng đến các quầy hàng mua bánh vẫn chưa đông đúc, chủ yếu họ mua để biếu hoặc làm quà tặng.
Mùa Trung Thu năm nay có một mặt hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, ưa chuộng và tin tưởng là bánh thủ công do người nhà làm, bởi chất lượng sản phẩm được kiểm nghiệm từ lòng tin và mối quan hệ, cũng như kinh nghiệm làm bánh của người thợ đã nhiều năm.
Chị Dương Thu Trang ở Thanh Trì, Hoàng Mai (Hà Nội) là khách hàng quen thuộc luôn đặt bánh Trung Thu của cơ sở gia đình chị Lan Anh ở Thái Thịnh, Đống Đa (Hà Nội) mỗi độ Trung Thu về.
Chị Trang cho biết: "Từ mối quan hệ bạn bè, tôi biết gia đình chị Lan Anh có nhận đặt làm bánh Trung Thu làm thủ công vẫn thu hút người tiêu dùng với chất lượng đảm bảo, hợp khẩu vị với người ăn, đặc biệt là sự lựa chọn nguyên liệu phù hợp với những người đang mắc các bệnh cần ăn kiêng đồ ngọt như tiểu đường, cao huyết áp…".
Mùa Trung Thu năm nay cũng vậy, chị Trang tiếp tục đặt các loại mẫu bánh hình truyền thống vuông, tròn và các mầu to hơn như bánh cá, bánh mặt trăng... Đồng thời chị Trang cũng đặt hàng cho chú ruột của mình một mẫu bánh giúp người bệnh vẫn muốn ăn, mà không ảnh hưởng nhiều đến phác độ điều trị bệnh tiểu đường của mình.
Chị Trang nhận xét: Bánh nhà làm đáp ứng được hương vị, hình dáng theo ý mình, bánh đảm bảo về chất lượng từ khâu nguyên liệu, thích hợp với người đang mắc những bệnh cần ăn kiêng. Chú ruột của chị bị bệnh tiểu đường và máu nhiễm mỡ đã 3 năm nay, nên việc đặt bánh có vị ngọt vừa phải, nhân bánh được làm từ vị trà xanh rất thích hợp cho người mắc bệnh này.
Tại cơ sở sản xuất bánh Trung Thu của gia đình chị Lan Anh ở Thái Thịnh, Đống Đa, cứ vào dịp Rằm Tháng 8 là gia đình luôn bận rộn với việc làm bánh Trung Thu. Để có được những mẻ bánh ngon, gia đình đã cất công đầu tư máy móc, dành riêng một phòng tiệt trùng để sản xuất bánh thơm ngon bổ dưỡng cho gia đình, bạn bè, người thân.
Chị Lan Anh cho biết: Hàng năm, cứ trước Rằm Tháng 8 khoảng một tháng, gia đình chị lại dọn dẹp sạch sẽ căn phòng ở tầng 1 và tiệt trùng máy móc trước khi bắt tay sản xuất bánh. Gia đình luôn hướng tới việc đảm bảo, uy tín, chất lượng và giá cả phải chăng. Mới đầu, khách hàng chủ yếu là người trong nhà và giới thiệu cho bạn bè nên mỗi năm khách hàng đặt bánh đông hơn. Năm nay xu hướng người đặt bánh chủ yếu nhằm vào hương vị mới lạ và ít ngọt.
Đối với nhiều người tiêu dùng luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc thành phần của nguyên liệu... Đây cũng là những tiêu chí quan trọng để lựa chọn bánh phù hợp với gia đình mỗi độ Trung Thu về.
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Tết Trung Thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này. Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh.
Song một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, cơ sở sản xuất chật hẹp, nhân viên không được khám sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch.
Ngoài ra, một số cơ sở nắm được thị hiếu của trẻ em đã sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người ăn.
Đồng thời, nguyên liệu làm nhân bánh thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xườn... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Tình trạng sản xuất bánh Trung Thu giả vẫn đang tồn tại, giả cả về nhãn mác và giả cả về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp....
Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cách lựa chọn bánh Trung Thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không rớt. Nên mua bánh Trung Thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.
Nếu bánh Trung Thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Người tiêu dùng dứt khoát không mua, không sử dụng bánh không nhãn mác.
Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra lời khuyên giúp người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe cũng như dinh dưỡng của chiếc bánh Trung Thu. Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người dân chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ và phải rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh.
Đặc biệt, không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm; khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn...