Sự biến động có thể cao hơn nhiều so với sự biến động thông thường về giá cổ phiếu và có thể là lãi suất. Điều này sẽ tạo ra sự bất ổn mới về kinh tế và chính trị, từ đó gây tác động tới thị trường tài chính.
Diễn biến mới này tạo ra sự bất ổn lớn trên nhiều mặt, trong đó bao gồm cả lĩnh vực chưa từng thấy trong thời kỳ gần tới ngày bầu cử quan trọng. Nguyên nhân quan trọng nhất của sự bất ổn đó chính là sức khỏe Tổng thống, các triệu chứng hiện nay và sắp tới.
Ngay cả khi ông Trump chỉ có các triệu chứng nhẹ, ông cũng cần phải cách ly trong nhiều ngày. Điều này có nghĩa là cuộc tranh luận thứ hai với ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden sẽ cần phải được lên kế hoạch lại, cũng như Tổng thống Trump sẽ không thể tham gia vận động trong một thời gian dài.
Nếu Tổng thống bị các triệu chứng nặng hơn, thì thời gian cách ly cũng sẽ dài hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của diễn biến bệnh. Sức khỏe của Đệ nhất phu nhân Melania cũng đang là mối quan tâm lớn của dư luận và cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động hoặc đi lại của tổng thống nếu bà có triệu chứng đáng kể, ngay cả khi ông không bị như vậy.
Trong lịch sử, khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống J.Kennedy năm 1963 và vụ ám sát Tổng thống R.Reagan năm 1981, các thị trường chứng khoán đã đóng cửa nhằm ngăn chặn tình trạng bán tháo hoảng loạn và đầu cơ. Thị trường tài chính hiện nay khác nhiều so với những năm trước với những thay đổi lớn về công nghệ, giao dịch toàn cầu và những thay đổi về quy định ảnh hưởng đến giao dịch và các sản phẩm tài chính được cung cấp. Ngoài ra, việc Tổng thống Trump nhiễm virus SARS-CoV-2 xảy ra khoảng 1 tháng trước cuộc bầu cử và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị mắc kẹt trong cuộc suy thoái.
Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần qua giảm 134,09 điểm, hay 0,5%, xuống 27.682,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 32,36 điểm, 1%, xuống 3.348,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 251,49 điểm, 2,2%, xuống 11.075,02 điểm. Điều đó phản ánh sự bất ổn gia tăng. Sự bất ổn này có thể tăng hơn nữa trong các phiên giao dịch vào tuần tới, tùy thuộc vào các diễn biến các triệu chứng mà Tổng thống Trump phải trải qua, và điều này có thể ảnh hưởng đến cử tri và kết quả khảo sát cử tri theo những cách khác nhau.
Thành tích thị trường chứng khoán là một trong những dấu ấn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Tính từ cuộc bầu cử năm 2016 cho tới ngày thị trường chứng khoán đóng cửa vào ngày 1/10/2020, trước khi việc nhiễm COVID-19 của Tổng thống Trump được công bố, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 56%.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, thành tích đáng chú ý này cho thấy nền kinh tế Mỹ phát triển thịnh vượng nhờ năng suất lao động tăng cao và cải cách thuế doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ với các công ty ở châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ những năm 1960, và tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Trước đại dịch COVID-19, triển vọng của nền kinh tế Mỹ đặc biệt sáng lạn và một số chính sách của Tổng thống Trump đã góp phần vào thành công đó. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với nền kinh tế có tỷ lệ nợ vượt quá 100% GDP, một mức chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Thị trường chứng khoán sẽ có là chặng đường gập ghềnh từ nay cho đến cuộc bầu cử, nhưng những biến động có thể chuyển thành xu hướng tiêu cực tùy thuộc vào việc chi tiêu của chính phủ sẽ tăng thêm bao nhiêu sau tháng 11.