Hiện Hạ viện đã hoãn kế hoạch bỏ phiếu về gói cứu trợ COVID-19 được đề xuất trị giá 2.200 tỷ USD nhằm cho phép có thêm thời gian để đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng.
Chưa đầy 5 tuần nữa là đến ngày tổng tuyển cử 3/11, cả Bộ trưởng Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Pelosi đều nói rằng các cuộc đàm phán sẽ hướng tới việc đạt được một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho hàng triệu người Mỹ và các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19. Trao đổi với báo giới sau cuộc gặp kéo dài khoảng 90 phút với Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Pelosi tại Đồi Capitol, Bộ trưởng Mnuchin nêu rõ: "Trong những ngày qua, chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ. Mặc dù vẫn chưa đạt được một thỏa thuận, song chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm."
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Pelosi khẳng định bà đã có cuộc trao đổi sâu rộng với Bộ trưởng Mnuchin, xác định một số lĩnh vực cần làm rõ thêm và sẽ tiếp tục xem xét các vấn đề trong thời gian tới.
Các cuộc thảo luận chính thức giữa bà Pelosi với lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nhằm tìm kiếm đồng thuận về một gói cứu trợ đã bắt đầu từ ngày 7/8 nhưng đến nay vẫn còn nhiều bất đồng. Bà Pelosi cũng chịu sức ép từ các nghị sĩ Dân chủ ôn hòa, những người muốn đề xuất hỗ trợ của hai đảng được luật hóa.
Ngày 28/9 vừa qua, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã nhất trí một dự luật hỗ trợ chống dịch COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD, khẳng định đây là một giải pháp đồng thuận giúp giảm chi phí cho việc hỗ trợ tài chính. Văn kiện này dự kiến sẽ được được ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào tối 30/9, nhưng sau đó bị hoãn sang ngày 1/10. Một thành viên đảng Dân chủ cho biết các nghị sĩ sẽ cho thêm 1 ngày nữa để có thể đạt được thỏa thuận lưỡng đảng.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Fox Business Network mới đây, Bộ trưởng Mnuchin cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ không chấp nhận đề xuất của đảng Dân chủ về gói cứu trợ COVID-19 trị giá 2.200 tỷ USD, đồng thời để ngỏ một gói chi tiêu vào khoảng 1.500 tỷ USD. Tuy nhiên, trước khi các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Mnuchin và Chủ tịch Hạ viện Pelosi được nối lại, Nhà Trắng từng cho biết Tổng thống Trump có thể nhất trí với gói cứu trợ trị giá 1.300 tỷ USD.
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động Mỹ mất việc và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lao dốc 31,7% trong quý II vừa qua khi một loạt doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Mặc dù một số lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ như doanh thu bán lẻ và nhà đất đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, song số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng và Quốc hội đang bế tắc về một gói chi tiêu bổ sung nhằm hỗ trợ đà phục hồi. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đã hết hạn và cần thêm một gói cứu trợ mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Mặc dù nhận định nền kinh tế đang tự phục hồi mạnh mẽ và có thể không cần thêm gói kích thích mới, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow vẫn cho rằng một gói hỗ trợ với mục tiêu hướng tới những đối tượng cụ thể sẽ là một "trợ thủ" đắc lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.