Thị trường trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định so với trước Tết Nguyên đán. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.900 – 7.000 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng duy trì ổn định từ 6.900 – 7.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.700 - 7.800 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 7.100 - 7.200 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 10.500 - 11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg,… tấm thường 12.500 đồng/kg, tấm thơm 13.500 đồng/kg.
Tại thị trường tỉnh Kiên Giang, từ đầu tháng 1 đến nay, giá lúa vẫn đang ở mức cao, từ 6.600 - 7.000 đồng/kg lúa tươi tùy loại. Nông dân thu hoạch đến đâu thương lái vào tận đồng ruộng thu mua hết đến đó. Nếu giá tiếp tục cao như hiện nay, nông dân Kiên Giang kỳ vọng vụ Đông Xuân 2020 - 2021 trúng mùa, lúa bán được giá, thu lợi nhuận cao so với những vụ mùa trước đây.
Sau Tết Nguyên đán, nông dân Bến Tre vui mừng thu hoạch lúa vụ Thu Đông với giá tăng cao kỷ lục từ trước đến nay. Hiện giá lúa khô, giống lúa thường (giống OC10, Long Định…) từ 8.200 - 8.500 đồng/kg, cao hơn từ 2.500 – 3.000 đồng/kg so với các năm trước. Riêng các loại giống lúa chất lượng cao, giá tăng thêm từ 300 - 500 đồng/kg so với lúa thường. Bên cạnh đó năng suất lúa đạt khá, người nông dân lợi nhuận nhiều hơn, trung bình từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/ha.
Tại Hậu Giang, giá lúa tươi vụ Đông Xuân 2020 – 2021 đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 500 - 800 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa tươi đặt cọc đối với giống OM 5451 và Đài Thơm 8 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, giống lúa OM 18 từ 6.000 - 6.400 đồng/kg, giống lúa Jasmine 85 từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, các giống lúa ST24 và RVT có giá bán từ 7.000 đồng/kg đến 7.200 đồng/kg.
Đến nay, đã có 40 công ty, doanh nghiệp bao tiêu vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 trên địa bàn Hậu Giang được hơn 38.000 ha.
Do lưu lượng dòng chảy sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long giảm gần 50%, do đó khả năng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng là rất cao. Các địa phương và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để chủ động trong việc phòng chống xâm nhập mặn, bảo vệ lúa Đông Xuân hiệu quả.
Thị trường gạo xuất khẩu đang có nhiều khách hàng song do nguồn hạn chế nên các doanh nghiệp chưa vội ký hợp đồng, vì cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm là vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, khi đó nguồn cung lúa sẽ dồi dào, giá lúa có thể sẽ giảm nhẹ so với hiện tại.
Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong những ngày đầu năm mới có xu hướng biến động tăng giảm nhẹ tùy ngày. Giá cà phê ngày 20/2 dao động ở mức 31.200 – 31.700 đồng/kg, tương đương so với tuần trước Tết Nguyên đán.
Giá cà phê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.200 đồng. Còn các các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá là 31.600 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 31.700 đồng/kg.
Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.424 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.
Về mặt hàng tiêu, sau khoảng thời gian dài trầm lắng, ngay tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán thị trường hồ tiêu nội địa đã sôi động trở lại. Những ngày gần đây, giá tiêu liên tiếp tăng nhẹ tại các địa phương đang là tín hiệu tốt cho người nông dân.
Theo Tintaynguyen, tuần qua giá tiêu nhìn chung tăng nhẹ so với trước Tết. Giá tiêu ngày 20/2 trong khoảng 51.500 – 53.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 53.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 52.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 51.500 đồng/kg.
Giới chuyên gia dự đoán, giá tiêu tuần sau vẫn có triển vọng tăng lên 55.000 đồng/kg, do các nhà đầu cơ tăng mua trước thông tin sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh.
Thị trường thế giới
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/2, trong đó giá đậu tương đi lên, còn giá ngô và lúa mỳ đồng loạt giảm.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 7,25 xu Mỹ (1,32%) xuống 5,4175 USD/bushel, giá lúa mỳ giao tháng 5/2021 giảm 9,75 xu Mỹ (1,47%) xuống 6,555 USD/bushel. Trong khi giá đậu tương giao tháng 3/2021 tăng 2,25 xu Mỹ (0,16%) lên 13,7725 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá đậu tương tăng nhờ những dự đoán Trung Quốc đã đặt mua từ 4-6 chuyến hàng đậu tương của Brazil cho tháng 6-7/2021.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra một triển vọng tăng giá dài hạn đối với ngô Mỹ, trong đó bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc có thể mua tới 25-35 triệu tấn ngô trong nhiều năm tới.
Doanh số xuất khẩu hàng tuần của USDA trong tuần kết thúc vào ngày 11/2 là 14,7 triệu bushel lúa mỳ, 39,3 triệu bushel ngô và 16,8 triệu bushel đậu tương. Đến nay, Mỹ đã bán được 2.200 triệu bushel đậu nành, tương đương 98% dự báo xuất khẩu hàng năm của USDA; 2.305 triệu bushel ngô, tương đương 87% dự báo xuất khẩu hàng năm của USDA; và 860 triệu bushel lúa mỳ, nhiều hơn 43 triệu bushel so với năm 2020.
Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa trên 1/3 khu vực phía nam của Brazil và toàn bộ Argentina sẽ ít hơn.
Về thị trường gạo châu Á, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tăng trong tuần này sau khi cảng nước sâu Kakinada được sử dụng giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động xuất khẩu gạo.
B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cho biết từ ngày 20/2, Ấn Độ bắt đầu sử dụng cảng nước sâu Kakinada, qua đó giúp giảm thời gian chờ đợi và "tăng tốc" hoạt động xuất khẩu nói chung. Ông Rao nói rằng chi phí tiết kiệm được, các nhà xuất khẩu có thể tăng giá gạo thu mua từ nông dân và giảm giá bán cho người mua ở nước ngoài.
Giá gạo đồ 5% tấn của Ấn Độ trong tuần này đã giảm xuống 395- 401 USD/tấn so với mức cao nhất trong nhiều năm là 402- 408 USD/tấn ghi nhận trong tuần trước.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 540- 560 USD/tấn trong ngày 18/2, vẫn gần mức cao nhất của 10 tháng.
Còn giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 505-510 USD/tấn hôm 18/2 nhờ thu hoạch được đẩy nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long, giảm so với mức 510- 515 USD/tấn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các thương nhân cho biết họ đang mua thêm gạo từ nông dân với kỳ vọng nhu cầu của các nhà nhập khẩu gia tăng, qua đó đẩy giá thóc trong nước lên mức cao nhất trong 10 năm từ 6.200-7.000 đồng/kg.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch sáng 20/2 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta giao tháng 3/2021 tại London tăng 5 USD (0,37%), lên mức 1.348 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York giảm 1 xu Mỹ/lb (0,78%) xuống 127,15 xu Mỹ/lb.
Ở Việt Nam, tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 31.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.900 đồng/kg.
Tâm lý thị trường đang lo ngại giá các cổ phiếu Mỹ sẽ giảm sau khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức, bởi đã tăng rất mạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, do vậy dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các mặt hàng nông sản. Trong khi đó, từ đầu năm 2021, thị trường ghi nhận sự tăng mua đáng kể từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trái với lo ngại về mức tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ giảm do giãn cách xã hội, các hãng chế biến cà phê hòa tan như Nestlé (Thụy Sỹ), Folgers và Dunkin (Mỹ), đều cho biết doanh số bán cà phê hòa tan trong năm 2020 tăng rất tốt. Nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà tăng đột biết do giãn cách xã hội, Rabobank dự báo, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà vẫn tiếp tục tăng sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và đây là thông tin tích cực cho cà phê Robusta.