Thị trường nông sản trong nước: Tiêu quay đầu giảm giá
Theo nguồn từ Diễn đàn của người làm cà phê cho thấy, giá nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên lại tăng trở lại, dao động trong khung 31.800 - 32.200 đồng/kg, tăng 1.000 - 1.200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2020 đạt 807 nghìn tấn với 1,36 tỷ USD, tăng gần 4% về khối lượng và tăng trên 2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020.
Người trồng cà phê Việt Nam đang hứng chịu nhiều yếu tố cực đoan từ thời tiết, hạn hán trong những tháng đầu năm, về lâu dài sẽ khiến cây suy kiệt, giảm năng suất. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, trong thời gian tới, cùng với xu hướng của thị trường thế giới, giá cà phê trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục đà tăng ổn định.
Trái ngược với diễn biến của cà phê, sau khi chạm mốc 60.000 đồng/kg vào tuần trước, tuần qua giá tiêu trên toàn khu vực trọng điểm Tây Nguyên đã giảm và ổn định ở mức 50.000 - 52.500 đồng/kg. Giá thấp nhất ở Đồng Nai và Gia Lai lại chạm mốc 50.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại chốt tại 51.000 - 52.500 đồng/kg.
Xuất khẩu tiêu trong 5 tháng đầu năm đạt 146 nghìn tấn với 307 triệu USD, tương đương về khối lượng nhưng giảm 18,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu tăng mạnh tại một số nước trên thế giới, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ tăng giá hạt tiêu. Hơn nữa, nhiều nhà đầu cơ đã đẩy mạnh hoạt động mua vào khi giá hạt tiêu ở mức đáy cũng tác động tích cực lên thị trường hạt tiêu toàn cầu.
Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới khi nhiều nước dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất nhằm khôi phục lại nền kinh tế.
Khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5, tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến từ ổn định đến tăng nhẹ trong tháng qua. Cùng với đó, xuất khẩu gạo tiếp tục đà tăng trưởng mạnh.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5/2020 ước đạt 789 nghìn tấn với giá trị đạt 415 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt gần 2,9 triệu tấn với 1,41 tỷ USD, tăng 5% về khối lượng và tăng gần 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Philipppines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với trên 40% thị phần. Các thị trường khác tăng mạnh là Trung Quốc, Indonesia… Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 470,2 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong bốn tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 42,7% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 35,2%; gạo nếp chiếm 16,5%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 5,4%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Malaysia và Ghana. Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng đang dao động từ 5.500 - 7.800 đồng/kg tùy loại, ổn định so với tuần trước đó như: lúa Jasmine là 5.800 - 6.000 đồng/kg, IR 50404 là 5.500 - 5.700 đồng/kg, các loại lúa OM từ 5.500 - 5.800 đồng/kg, lúa Nhật 7.300 - 7.800 đồng/kg…
Giá gạo thường tại An Giang dao động ở mức 11.000 - 11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.500 - 15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hàng năm vào quý III. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhằm đạt được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu gạo Philippines.
Bên cạnh đó, Bangladesh đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan ở nước này.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Trung Quốc hiện đã thực hiện 95% mục tiêu tự túc lương thực (gạo, ngô, lúa mì) nhưng vẫn cho phép nhập khẩu một lượng nhất định thông qua hệ thống hạn ngạch phi thuế quan cho phép các thương nhân trong nước nhập khẩu với mức thuế suất chỉ còn 1% so với mức ngoài hạn ngạch 65%.
Thị trường nông sản thế giới: Đường có nguy cơ thiếu cung
Tại thị trường gạo châu Á: Gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong 8 năm. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chạm mức cao nhất trong hơn 8 năm trong bối cảnh các nhà giao dịch khó có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và mưa lớn đang làm ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 475 USD/tấn hôm 4/6, mức cao nhất kể từ đầu năm 2012, so với mức 450 - 460 USD/tấn trong tuần trước đó.
Một nhà giao dịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu vẫn cao, trong khi nguồn cung hạn hẹp. Các nhà giao dịch khó đảm bảo nguồn cung gạo để thực hiện các hợp đồng đã ký với các khách hàng tại Malaysia và Cuba. Một nhà giao dịch khác giấu tên cho hay mưa lớn đang làm chậm tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, đã giảm xuống 368 - 373 USD/tấn so với mức 370-375 USD/tấn trong tuần trước. Ấn Độ đã tăng mức giá thu mua của nông dân trong nước thêm 2,9% đối với các giống lúa phổ biến trong mùa vụ mới.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 490 - 512 USD/tấn hôm 4/6 so với mức 489 - 490 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho rằng mức tăng này là do đồng baht mạnh lên.
Về mặt hàng đường, thị trường đường thế giới có nguy cơ thiếu hụt 9,3 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020. Giá đường thô trên sàn giao dịch ICE đóng cửa với bốn phiên tăng liên tiếp trong ngày 2/6 nhờ giá dầu tăng lên và những lo ngại về tình trạng dư cung giảm xuống. Giá đường giao tháng 7/2020 đã tăng 0,22 xu Mỹ (2%) lên 11,22 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg) nhờ tâm lý lạc quan khi ngày càng có nhiều nước nới lỏng cách biện pháp phong tỏa để khôi phục các hoạt động kinh tế.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo nguồn cung đường toàn cầu sẽ thiếu hụt 9,3 triệu tấn trong niên vụ 2019 - 2020. Giá đường trắng giao tháng 8/2020 tăng 5,2 USD (1,4%) lên 370 USD/tấn.
Giá cà phê trên thế giới tiếp tục đà tăng. Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2020 tăng 0,75 xu Mỹ lên 98,9 xu Mỹ/lb sau khi chạm mức thấp nhất của 7 tháng hôm 1/6. Cà phê Arabica vẫn chịu sức ép do đồn đoán về sản lượng đạt gần mức kỷ lục của Brazil và những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2020 tăng 37 USD lên 1.233 USD/tấn. Xuất khẩu hạt cà phê robusta Sumatran của tỉnh Lampung (Indonesia) trong tháng 5/2020 đã giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường Mỹ, giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong phiên 5/6, với giá ngô tăng, giá lúa mỳ giảm còn giá đậu tương không đổi.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2020 tăng 2,25 xu Mỹ (tương đương 0,68%) lên 3,3125 USD/bushel khi đóng cửa. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 7/2020 chốt phiên với mức giảm 8,5 xu Mỹ (1,62%) xuống còn 5,1525 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao cùng kỳ hạn không đổi ở mức 8,6775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg)
Các thương nhân trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua 5.100 hợp đồng ngô và 1.200 hợp đồng đậu tương, trong khi bán ra 3.200 hợp đồng lúa mỳ.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thông báo khoảng 588.000 tấn đậu tương Mỹ đã được bán cho một người mua không xác định danh tính.