Thị trường nông sản trong nước:
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, ngày 30/5, giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 5.500 - 7.800 đồng/kg tùy loại; trong đó, nhiều loại lúa có giá tăng từ 100 - 200 đồng/kg so với tuần trước đó như: lúa Jasmine là 5.600 - 6.000 đồng/kg, IR 50404 là 5.500 - 5.700 đồng/kg, các loại lúa OM từ 5.500 - 5.800 đồng/kg, lúa Nhật 7.300 - 7.800 đồng/kg…
Tại Đồng Tháp, giá bán lúa IR50404 trên 5.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao giá 6.000 đồng/kg.
Theo nông dân trồng lúa, mức giá này đang cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi trừ hết chi phí lúa Hè Thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Do giá lúa hiện nay lên cao, thương lái mua lúa chủ động nguồn nguyên liệu để thu mua trong dân và hợp đồng bằng cách cọc tiền trước với nông dân khi lúa còn xanh trên đồng. Thương lái thu mua và đặt cọc cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với giá thị trường hiện tại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu, các địa phương đã gieo cấy được 1,15 triệu ha, đạt 64,4% kế hoạch, thu hoạch khoảng 78,4 nghìn ha.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần qua ở mức 473 - 477 USD/tấn với gạo 5% tấm (tăng so với mức 468 - 472 của tuần trước); với gạo 25% tấm là 453 - 457 USD/tấn; riêng gạo Jasmine có giá 558 - 562 USD/tấn, tương đương tuần trước.
Giá gạo thường tại An Giang dao động ở mức 11.000 - 11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.500 - 15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Về hồ tiêu, sau khi vượt mốc 40.000 đồng/kg vào giữa tháng 5, nay giá tiêu trên toàn khu vực trọng điểm Tây Nguyên đã chạm mức cao nhất trong hơn một năm ở mức 57.000 - 60.000 đồng/kg.
Mặc dù giá tiêu đã có dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng nhiều nhà nông trồng hồ tiêu cho biết vẫn đang “ngập” trong khó khăn. Do những năm qua giá xuống quá thấp khiến nhiều người trồng hồ tiêu rơi vào nợ nần nên đã giảm, thậm chí bỏ đầu tư khi giá phân bón và tiền nhân công chăm sóc ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều nhà nông cũng không thể tích trữ tiêu để chờ giá lên.
Trái ngược với diễn biến của giá tiêu, giá cà phê nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên tuần qua sau khi lên được 32.000 đồng/kg ở một số nơi đã quay đầu giảm mạnh. Nguồn từ Diễn đàn của người làm cà phê cho thấy, giá nhân xô tại các vùng trọng điểm Tây Nguyên, ở mức 30.600 - 31.000 đồng/kg, giảm 400 - 600 đồng/kg. Tại cảng TP Hồ Chí Minh, giá cà phê xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở mức 1.249 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.
Tổng cục Thống kê dự báo xuất khẩu cà phê tháng năm đạt khoảng 2,17 triệu bao, đưa xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2020 lên tổng cộng 13,55 triệu bao, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy xuất khẩu cà phê robusta từ nhà sản xuất hàng đầu vẫn ổn định trong mùa đại dịch COVID-19.
Thị trường nông sản thế giới:
Trên thị trường Mỹ, giá các loại nông sản trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong phiên 29/5, với giá ngô và đậu tương giảm trong khi giá lúa mì tăng.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 7/2020 giảm 1,75 xu Mỹ (tương đương 0,53%) xuống 3,2575 USD/bushel khi đóng cửa. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 7/2020 chốt phiên với mức giảm 6,25 xu Mỹ (0,74%) xuống còn 8,4075 USD/bushel. Còn giá lúa mì giao tháng 7/2020 tăng 6,25 xu Mỹ (1,21%) lên 5,2075 USD/bushel . 1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp (ARC), các thương nhân trên sàn CBOT cho hay các quỹ đã mua vào 4.700 hợp đồng lúa mì trong khi bán 9.000 hợp đồng ngô và 4.800 hợp đồng đậu tương.
Tính đến ngày 21/5, Mỹ đã xuất khẩu 25,9 triệu bushel lúa mì, 16,8 triệu bushel ngô và 23,7 triệu bushel đậu tương. Còn kể từ đầu niên vụ hiện tại đến nay, Mỹ đã xuất khẩu 983 triệu bushel lúa mì (tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước đó), 1,568 tỷ bushel ngô (giảm 17%) và 1,549 tỷ bushel đậu tương (giảm 9%).
Tại thị trường châu Á, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần qua đã giảm xuống còn 370 - 375 USD/tấn từ mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 là 385 - 389 USD/tấn. Theo một nhà xuất khẩu gạo ở Mumbai (Ấn Độ), nhu cầu gạo tương đối trầm lắng trong vài ngày qua do giá gạo tăng cao và các khách hàng mua gạo hiện “tạm nghỉ” sau đợt mua vào mạnh tay hồi đầu tháng 5/2020.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống còn 489 - 490 USD/tấn, từ mức 480 - 505 USD/tấn, khi người mua lựa chọn các loại gạo có giá rẻ hơn của Ấn Độ và Việt Nam. Những quan ngại về nguồn cung gạo ở Thái Lan đã giảm bớt khi thời tiết ở những khu vực trồng lúa ở nước này trở nên thuận lợi hơn sau khi trải một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên qua.
Về cà phê, giá cà phê Robusta Sumatra của tỉnh Lampung (Indonesia) giao tháng 7/2020 hiện ở mức 290 - 300 USD/tấn, tương tự một tuần trước đó. Theo một thương nhân, nguồn cung cà phê của Indonesia dự kiến sẽ tăng vào giữa tháng 6/2020 khi nhiều khu vực trồng cà phê quanh Lampung ở Sumatra bắt đầu vụ thu hoạch.
Trong khi đó, một báo cáo mới có tên Triển vọng Cà phê quý II/2020 mà ngân hàng nông nghiệp Rabobank vừa công bố ước tính nhu cầu cà phê toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 0,8% xuống còn 164,1 triệu bao loại 60 kg do ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Rabobank cũng hạ dự báo về nhu cầu cà phê ở một số nước do việc gia hạn lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhất là ở những nước không có chính sách trợ cấp thất nghiệp.
Nhà phân tích kỳ cựu Carlos Mera của Rabobank ước tính nhu cầu cà phê ở Mỹ sẽ giảm 2% trong năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ cà phê ở nước này sụt giảm. Theo ông Mera, doanh số cà phê cao hơn của các siêu thị tại Mỹ do người dân mua về nhà để sử dụng trong giai đoạn các bang ở nước này áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 không thể bù đắp sự sụt giảm doanh số của các cửa hàng bán loại đồ uống này.
Ông Mera dự đoán lượng cà phê tiêu thụ ở 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh sẽ chỉ giảm 0,5% trong năm 2020 nhờ thu nhập của những người thất nghiệp do dịch COVID-19 ở hầu hết quốc gia châu Âu đều được chính phủ hỗ trợ.
Tuy vậy, ông Mera cho rằng Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đang đứng trước nguy cơ sản lượng cà phê trong nước sụt giảm khi vụ thu hoạch cà phê tại Brazil diễn ra cùng lúc với giai đoạn đỉnh điểm dự kiến của dịch COVID-19 tại nước này.