Thị trường gạo châu Á
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên mức 360-363 USD/tấn so với mức 358-363 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà xuất khẩu Ấn Độ với trụ sở chính ở Mumbai cho biết: “Chúng tôi đang ở cuối vụ thu hoạch và nguồn cung hạn chế”. Vụ mùa mới của Ấn Độ có thể diễn ra vào tháng 11/2021.
Các thương nhân Bangladesh, quốc gia láng giềng của Ấn Độ, tiếp tục mua phần lớn gạo từ Ấn Độ thông qua cảng đất liền, và chính phủ nước này dự kiến giá ngũ cốc nội địa sẽ giảm trong thời gian tới.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này tăng lên mức 385-420 USD/tấn so với mức 385-386 USD/tấn trong tuần trước, với lý do chủ yếu là đồng baht tăng giá nhẹ.
Thái Lan, quốc gia xuất khẩu khoảng 3,7 triệu tấn ngũ cốc trong giai đoạn tháng 1-9 năm nay, đang trên đà xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay, nhờ nhu cầu từ những người mua trở lại tăng cao.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam kéo dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp nhờ nhu cầu nội địa cao tiếp tục khiến giá thu mua tăng cao, trong khi nguồn cung hạn chế đẩy giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ, nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, tăng mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên khoảng 430-435 USD/tấn, gần mức cao nhất ba tháng từ mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước. Nông dân tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông, vốn dự kiến đạt cao điểm vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn giao dịch tại thị trường Mỹ giảm trong phiên 8/10, trong đó giá lúa mỳ giảm mạnh nhất.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 3,5 xu Mỹ (0,66%) xuống 5,305 USD/bushel còn giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 giảm 7,25 xu Mỹ (0,98%) xuống 7,34 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 4,25 xu Mỹ (0,34%) xuống 12,43 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Vụ thu hoạch ngô và đậu tương ở Mỹ sẽ đạt gần 50% vào đầu tuần tới. Các nhà quản lý quỹ đang hoãn việc mua hàng trong bối cảnh đợi Báo cáo vụ mua của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào ngày 12/10.
Khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ (CBOT) hạn chế. Thị trường Argentine nghỉ phiên 8/10, và thị trường Brazil sẽ nghỉ vào ngày 12/10
Hiện giá ngô và đậu tương ở Mỹ là rẻ nhất thế giới, sẽ thu hút nhu cầu nhập khẩu mới. Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource dự đoán Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ là khách hàng mua tích cực hơn trong tuần tới.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức dưới 6%, giữa bối cảnh dịch COVID-19 của biến thể Delta bùng phát và hoạt động logistics chậm trễ.
Thị trường cà phê thế giới
Giá cà phê trên thị trường thế giới ngày 9/10 biến động trái chiều với giá cà phê Arabica tiếp tục tăng. Còn tại Việt Nam, giá cà phê không đổi.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục ổn định với xu hướng hỗn hợp. Giá cà phê Robusta giao ngay tháng 11 giảm 2 USD, xuống 2.117 USD/tấn. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2022 vẫn không thay đổi ở mức 2.116 USD/tấn. Giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tăng thêm 5 USD, lên 2.081 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York tiếp nối đà tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 12/2021 tăng thêm 3,45 xu Mỹ, lên 201,35 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng thêm 3,45 xu Mỹ, lên 204,25 xu Mỹ/lb (1b = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung 40.300 - 40.800 đồng/kg.