Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 30 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 87,75 USD/thùng . Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2022 tăng 9 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 80,13 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chủ chốt này đã giảm hơn 5 USD/thùng vào phiên trước đó, chạm mức thấp nhất trong 10 tháng, sau khi Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ xem xét tăng sản lượng thêm 500.000 thùng mỗi ngày tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12 tới.
Giá dầu phục hồi nhanh chóng sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết vương quốc này kiên trì với kế hoạch cắt giảm sản lượng và không thảo luận về khả năng tăng sản lượng dầu mỏ với các nhà sản xuất dầu mỏ khác của OPEC.
OPEC+ gần đây đã cắt giảm mục tiêu sản lượng và Bộ trưởng Năng lượng Saudia Arabia- nước dẫn đầu tổ chức trên, cho biết, OPEC+ sẽ vẫn thận trọng về sản lượng dầu do sự không chắc chắn về nền kinh tế toàn cầu.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, sự sụt giảm của đồng USD là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu sau khi phục hồi vào ngày đầu tuần 21/11. Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, ông Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết những lo ngại về nhu cầu dầu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt lãi suất và các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt liên quan đến dịch COVID-19 của Trung Quốc đang lấn át các yếu tố thúc đẩy giá tiềm năng như lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu mỏ của Nga bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/12.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô ước tính đã giảm khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 18/11.