Yếu tố hỗ trợ thị trường
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhịp điều chỉnh mạnh trong một vài tuần gần đây. Nguyên nhân của đợt sụt giảm này đến từ áp lực tỷ giá gia tăng và động thái phát hành tín phiếu hút bớt thanh khoản dư thừa của Ngân hàng Nhà nước.
Những điều này khiến không ít nhà đầu tư liên tưởng tới kịch bản của tháng 10 năm ngoái đó là áp lực tỷ giá gia tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải đảo chiều chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng bối cảnh năm nay khác nhiều so với năm ngoái. Đợt biến động mạnh năm ngoái đến từ cộng hưởng nhiều yếu tố như áp lực tỷ giá, sự kiện sai phạm về phát hành trái phiếu tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng đột ngột thắt chặt, buộc Ngân hàng nhà nước phải nâng lãi suất điều hành.
Ngược lại thời điểm hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, thậm chí là dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu hơn kỳ vọng.
Năm nay, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam có thặng dư thương mại 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước mức thặng dư thương mại hàng hóa chỉ là 6,76 tỷ USD). Cùng đó, FDI và kiều hối duy trì tích cực, nguồn cung ngoại tệ được bổ sung từ một số thỏa thuận bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Tiêu biểu là trường hợp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán VPB) bán cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản).
Do đó, ông Hinh đánh giá áp lực tỷ giá năm nay sẽ không làm đảo chiều chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn sẽ có điều kiện để duy trì ở vùng thấp nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
Trong những tuần tới, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh quý III năm 2023 của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ.
VNDIRECT đánh giá bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn so với 2 quý đầu năm và là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhìn chung kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều tín hiệu tích cực hơn, GDP đang có xu hướng phục hồi đà tăng trưởng, dù tốc độ chưa đạt kỳ vọng.
Về tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp và nguy cơ suy thoái vẫn xuất hiện tại một số quốc gia, khu vực, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều nước vẫn chưa cho thấy sẽ sớm kết thúc.
“Với tình trạng vĩ mô hiện tại, nếu thị trường chững lại để tiếp tục tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp”, SHS nhận định.
SHS cho biết, sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm mạnh trong cuối tháng 9, VN-Index bắt đầu tuần đầu tiên của quý IV/2023 với nhiều biến động. Phiên giao dịch đầu quý có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Áp lực bán gia tăng mạnh trong 2 phiên sau đó khiến cho VN-Index thậm chí chạm vùng hỗ trợ mạnh tại 1.105 điểm, tương ứng vùng giá MA200 phiên (đường trung bình 200 phiên giao dịch - một chỉ báo kỹ thuật thông dụng để đo lường xu hướng dài hạn của cổ phiếu).
Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng điểm, nhưng kết thúc tuần vẫn giảm 2,22% so với tuần trước đó. Qua đó, chỉ số này đã có 4 tuần liên tiếp giảm từ vùng giá quanh 1.250 điểm về mức 1.128,54 điểm; HNX-Index cũng giảm 4 tuần liên tiếp với mức giảm 2,5% trong tuần đầu tháng 10/2023 về mức 230,45 điểm.
Thanh khoản trên HOSE đạt 73.303,24 tỷ đồng trong tuần qua, giảm 21,2% so với tuần trước. Thanh khoản HNX cũng giảm 17,3% về 8.740,16 tỷ đồng. Việc thanh khoản và chỉ số cùng giảm thể hiện áp lực bán đã bớt dần trong tuần qua và thị trường phục hồi tích cực ở vùng giá trung bình MA200 phiên ở mức quanh 1.105 điểm.
Tuần qua, nhóm bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực, khi đa số cổ phiếu vẫn chịu áp lực giảm điểm mạnh, thanh khoản ở mức trung bình như QCG giảm 14,29%, CEO giảm 13,15%, DXG giảm 11,64%, DIG giảm 11,16%, NVL giảm 10,90%...
Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng có diễn biến tiêu cực, chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản trên mức trung bình. Cụ thể là CTS giảm 9,34%, WSS giảm 5,8%, VCI giảm 5,45%, BSI giảm 4,88%...
Tuy nhiên, một số mã cổ phiếu ngành chứng khoán có thông tin chia cổ tức, dự báo tích cực về kết quả kinh doanh quý III vẫn tăng giá trong tuần qua, như BVS tăng 3,91%, SSI tăng 3,62%, PSI tăng 2,08%...
Các cổ phiếu khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến khá tích cực so với thị trường chung khi đa số tăng điểm, thanh khoản cải thiện như DTD tăng 13,36%, VGC tăng 9,91%, TIP tăng 7,53%, GVR tăng 3,59%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, nhiều mã giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực lên điểm số thị trường như NVB giảm 9,92%, TPB giảm 5,88%, EIB giảm 5,01%, BID giảm 4,85%, TCB giảm 4,99%...
Chuyên gia phân tích Phạm Bình Phương, tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhìn nhận, VN-Index tại vùng 1.100 điểm, thanh khoản đã ngừng giảm và ổn định trở lại kèm theo diễn biến hồi phục tích cực của chỉ số cũng như các nhóm cổ phiếu hút dòng tiền như chứng khoán, khu công nghiệp.
Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu họ Vingroup cũng có phản ứng tích cực tại vùng này.
Với các yếu tố trên, chuyên gia Phạm Bình Phương kỳ vọng VN-Index đã tìm được sự cân bằng tại mốc 1.100 điểm và bắt đầu xu hướng hồi phục. Các mốc ngắn hạn mà nhà đầu tư cần quan tâm là 1.030 - 1.040 điểm và 1.060 - 1.070 điểm.
Chứng khoán Mỹ trồi sụt liên tục
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng không mấy khởi sắc trước nỗi lo lạm phát gia tăng.
Chứng khoán Mỹ đã có một tuần giao dịch lên xuống liên tục. Tính chung cả tuần qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) giảm 0,3%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, và chỉ số Nasdaq tăng 1,6%. Như vậy, chỉ số S&P 500 đã chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài suốt bốn tuần qua. Chỉ số Dow Jones đã giảm tuần thứ ba liên tiếp, còn chỉ số Nasdaq nối dài chuỗi tăng điểm theo tuần.
Phiên cuối tuần (6/10), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,9% lên 33.407,58 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 4.308,50 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 1,6% lên 13.431,34 điểm.
Giới đầu tư lo ngại rằng, thị trường lao động nóng sẽ khiến tiền lương tăng ngày càng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát, từ đó có thể khiến Fed duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, hoặc tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Báo cáo ngày 6/10 của Cơ quan thống kê lao động cho thấy kinh tế Mỹ đã tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng Chín, vượt xa dự đoán 170.000 việc làm của giới chuyên gia. Báo cáo còn cho biết, mức tăng việc làm trong tháng Tám và tháng Bảy cũng được điều chỉnh lên cao hơn.
Tuy nhiên, những chi tiết khác trong báo cáo này lại tỏ ra thuận lợi khi xét đến chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, tiền lương theo giờ trung bình chỉ tăng 0,2% trong tháng Chín, qua đó đưa mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái về mức 4,2%, thấp hơn mức tăng tiền lương theo năm 4,3% ghi nhận trong tháng Tám.
Ông José Torres, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty môi giới chứng khoán Interactive Brokers cho biết, tiền lương tăng chậm lại là một diễn biến tích cực, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) muốn kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, chuyên gia Neil Dutta của công ty nghiên cứu Renaissance Macro Research cho rằng, báo cáo nói trên phù hợp với dự đoán “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ và dự báo lạm phát quay về mức 2% của Fed.