Kết phiên, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của một loạt thị trường chứng khoán châu Á gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand , Philippines và Thái Lan đều có mức tăng trên 1%, trong khi đó hai chỉ số chứng khoán của Trung Quốc gồm chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong lần lượt có mức tăng 0,8% và 0,3%. Sự phục hồi cũng được ghi nhận tại một số thị trường chứng khoán như Singapore và Ấn Độ.
Kết phiên trước đó tại thị trường châu Âu, trong khi thị trường London (Anh) đi ngang, thị trường chứng khoán Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) có sự khởi sắc.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu phần nào chịu tác động của thị trường chứng khoán Mỹ.
Kết phiên giao dịch ngày 29/6 tại thị trường New York, Mỹ, chỉ số Dow Jones tăng mạnh nhất 2,32%, trong khi S&P 500 và Nasdaq có mức tăng từ 1,2 đến 1,5%.
Việc các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chính là chất xúc tác then chốt tác động đến tâm lý của giới đầu tư vốn đang kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ từ tình trạng được cho là suy thoái toàn cầu trong năm 2020 này do ảnh ưởng của dịch bệnh trên.
Hiện nay, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đã nới lỏng các biện pháp hạn chế tại nhiều địa phương, nhưng có những dấu hiệu về làn sóng lây nhiễm thứ hai ở các thành phố lớn, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư. Tại Mỹ, các quán bar ở Los Angeles và 6 quận ở California, với tổng dân số hơn 13 triệu người, đã buộc phải đóng cửa trở lại chỉ hơn một tuần sau khi được mở cửa, trong khi San Francisco dừng lộ trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Số ca nhiễm cũng tăng mạnh tại Texas và Florida, hai trong số các bang đông dân nhất của Mỹ, với tổng dân số là 50 triệu người. Các bang lớn khác như Arizona và Georgia cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm COVID-19. Trong khi đó, Trung Quốc đã thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt đối với nửa triệu dân ở một tỉnh gần Bắc Kinh để kiểm soát ổ dịch mới.