Các nhà phân tích từ công ty chứng khoán cho rằng, thanh khoản tiếp tục lùi về mức thấp và rủi ro phân phối vẫn đang hiện hữu, tuy nhiên, chừng nào mức đáy trong nhịp giảm vừa qua (ngưỡng 832 điểm) còn giữ được thì nhịp tăng gần 3 tháng qua vẫn tiếp diễn.
Dòng tiền suy yếu
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, thị trường giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp khiến nguy cơ kết thúc nhịp hồi kỹ thuật sau chuỗi tăng hơn 2 tháng vừa qua lên cao. Dòng tiền giảm chính là yếu tố khiến thị trường không giữ được nhịp tăng từ ngưỡng 832 điểm lên 873 điểm vừa qua. Tuy vậy, quý 2 năm nay có thể là quý có mức tăng tốt nhất trong vòng 1 thập kỷ khi chỉ số VN - Index đang có mức tăng gần 29%, do vậy phiên chốt NAV (giá trị tài sản ròng) của các quỹ đầu tư cuối quý cũng có thể là phiên tích cực cho thị trường trong tuần sau.
Về kỹ thuật, thị trường vẫn giao động trong vùng tích lũy từ 832 điểm đến 866 điểm, chừng nào mức đáy trong nhịp giảm vừa qua ở ngưỡng 832 điểm còn giữ được thì nhịp tăng gần 3 tháng qua vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, phiên cuối tuần (26/6), thị trường phục hồi bất thành và quay đầu giảm điểm cuối phiên, cho thấy động thái suy yếu của thị trường vẫn đang là chủ đạo. Thanh khoản tiếp tục lùi về mức thấp và rủi ro phân phối vẫn đang hiện hữu. Do vậy nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về mức an toàn.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường tuần tới sẽ tiếp tục có biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên đầu tuần tới. Chỉ số đang bị kẹp trong vùng được giới hạn bởi cận trên nằm tại 863 - 867 điểm và cận dưới là vùng hỗ trợ 840 - 845 điểm. Tuy nhiên, BVSC vẫn lưu ý rằng, áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu và nếu vùng hỗ trợ quanh 840 điểm bị xuyên thủng thì thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780 - 820 điểm trong ngắn hạn.
Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch cuối tháng 6. Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch COVID - 19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, trên góc nhìn kỹ thuật, VN - Index đang trong xu hướng đi ngang trong khoảng 840 - 870 điểm khoảng hai tuần trở lại đây và sự bứt phá ra khỏi vùng này sẽ xác định được xu hướng sau đó.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (29/6-3/7), VN - Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang với biên độ trong khoảng 840 - 870 điểm cho đến khi bứt phá khỏi vùng này.
SHS khuyến nghị, nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu có thể tiếp tục nắm giữ một khi VN - Index vẫn còn giữ được ngưỡng hỗ trợ 840 điểm. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua thêm cổ phiếu khi thị trường vượt được ngưỡng 870 điểm với thanh khoản cao.
Làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19 lan rộng tại một số nước trên thế giới đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn. Áp lực bán gia tăng đã khiến chứng khoán thế giới có một tuần giảm điểm và thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. VN - Index đã không thể chinh phục ngưỡng 870 điểm trong ba phiên đầu tuần rồi điều chỉnh trong hai phiên còn lại.
Theo SHS, thị trường giảm điểm trở lại trong tuần qua với thanh khoản cũng có sự suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 22 - 26/6), VN - Index giảm 16,58 điểm (1,9%) xuống 851,98 điểm; HNX-Index giảm 1,908 điểm (1,7%) xuống 113,45 điểm.
Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 42,7% xuống 23.954 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 18,5% xuống 1.762 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 1,6% xuống 2.836 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,5% xuống 310 triệu cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 282 tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần qua. Cụ thể, khối ngoại bán ròng hơn 248 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 33 tỷ đồng trên sàn HNX.
Với việc thị trường điều chỉnh trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm cổ phiếu đều sụt giảm, nhưng giảm mạnh nhất là nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng với VCB giảm 2,5%, CTG (3,4%), BID (3,7%), VPB (3,5%), MBB (0,9%), ACB (3,3%), SHB (4,8%), TCB (0,7%)... gây áp lực mạnh lên thị trường.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup cũng giảm sâu với VIC giảm 6%, VRE (4,7%), VHM (1,2%).
Hai nhóm cổ phiếu trên có tác động tiêu cực nhất lên thị trường, khiến các chỉ số chứng khoán trong nước đi xuống trong tuần qua. Trong khi đó, chứng khoán thế giới cũng giảm điểm giữa lúc những diễn biến kém khả quan của dịch COVID-19 vẫn là nhân tố chính chi phối hoạt động của các nhà đầu tư.
Dịch COVID-19 “ám ảnh” chứng khoán thế giới
Sau các phiên giao dịch trồi sụt liên tục, chứng khoán Mỹ đã kết thúc tuần giao dịch vừa qua với cả ba chỉ số chính đều đi xuống, giữa lúc những diễn biến kém khả quan của dịch COVID-19 vẫn là nhân tố chính chi phối hoạt động của các nhà đầu tư.
Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ khởi sắc, trong đó đáng chú ý, chỉ số Nasdaq đã xác lập kỷ lục mới trong phiên 23/6, giữa lúc giới đầu tư đón nhận các thông tin kinh tế khả quan hơn.
Các chỉ số chính trên Phố Wall đã khép lại phiên giao dịch cuối tuần ở các mức thấp nhất trong khoảng hai tuần qua, sau khi các bang Texas và Florida buộc phải ngừng mở cửa kinh tế khi số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 730,05 điểm, hay 2,8%, xuống còn 25.015,55 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 để mất 74,71 điểm, hay 2,4%, xuống 3.009,05 điểm. Tất cả 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 đều đóng cửa ở mức sâu trong vùng âm trong phiên này.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 259,78 điểm, hay 2,6%, và đóng phiên ở mức 9.757,22 điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,3%, chỉ số S&P 500 giảm 2,9%, và chỉ số Nasdaq để mất 1,9%.
Các bang của Mỹ đã ghi nhận thêm 37.000 ca nhiễm mới COVID-19 vào ngày 25/6, mức tăng kỷ lục trong một ngày, dẫn đầu là các bang Florida, Texas, California và Arizona. Trước tình hình đó, thống đốc hai bang Texas và Florida đã yêu cầu tất cả các quán bar đóng cửa trở lại vào ngày 26/6. Đây là hai bang đầu tiên thu hồi một số biện pháp tái mở cửa kinh tế sau nhiều tháng phong tỏa.
Giới đầu tư cũng chịu ảnh hưởng từ kết quả đợt kiểm tra sức chịu đựng (stress test) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với hệ thống ngân hàng. Sau stress test lần này, Fed đã yêu cầu các ngân hàng giữ vốn bằng cách ngừng hoạt động mua lại cổ phiếu và hạn chế chia cổ tức trong quý III dựa trên lợi nhuận ròng trung bình trong bốn quý trước đó.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á phần lớn phục hồi trong phiên 26/6 sau phiên giảm điểm mạnh trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng ca mắc mới COVID-19 ở châu Âu, do các chuyến bay giữa các nước được nối lại và các quán bar, nhà hàng và rạp chiếu phim được mở lại sau khi khu vực này tiến hành nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1,1% lên 22.512,08 điểm. Chứng khoán Singapore tăng 0,9%, chứng khoán Jakarta cộng thêm 0,2%, còn chứng khoán Sydney, Seoul, Manila, Bangkok đều tăng hơn 1%.
Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,9% xuống 24.549,99 điểm sau khi Thượng viện Mỹ ngày 25/6 thông qua dự luật có thể giúp chính quyền của Tổng thống Donald Trump trừng phạt Trung Quốc liên quan tới Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Thị trường Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ.