Cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng đối với các bộ, ngành, địa phương; các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư được Nhà nước quyết định đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư có liên quan đến công tác an sinh xã hội; việc sử dụng tài sản công để thanh toán các hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và chấp hành nghĩa vụ với NSNN đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động và số thu lớn do Chính phủ, bộ, ngành và địa phương quản lý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định của Chính phủ. Từ đó, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tình hình tài chính, việc bảo toàn và phát triển vốn, đầu tư mua sắm tài sản của doanh nghiệp và việc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác, phát hiện thêm nguồn thu cho NSNN.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng trong danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và kê khai giá theo quy định của Luật Giá cũng sẽ được Bộ Tài chính đưa vào danh sách thanh tra trong năm mới.
Ngay sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt, Thanh tra Bộ đã gửi thông báo đến các đối tượng được thanh tra trong tháng 1/2020. Các đoàn thanh tra phải lập kế hoạch chi tiết cho từng cuộc thanh tra, tập huấn trước khi triển khai, xác định rõ nội dung công việc, phương pháp tiến hành, nhân sự đoàn thanh tra... Đồng thời phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đoàn thanh tra trong việc chấp hành quy trình, quy chế, giám sát đoàn thanh tra.
Liên quan tới vấn đề thanh tra, kiểm tra thủ tục thuế nói riêng, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Nguyên tắc thanh tra, kiểm tra là để xác định chính xác mức thuế phải nộp của doanh nghiệp; đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh nếu người nộp thuế vi phạm.
Đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng: Việc thanh tra, kiểm tra tại Việt Nam hiện còn chồng chéo, cần phải khắc phục. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Hiện nay, trong nội bộ từng ngành, ví như ngành thuế đang thực hiện tốt, được doanh nghiệp ghi nhận, đó là không doanh nghiệp nào bị cơ quan thuế thanh tra 2 lần/năm. Nhưng nhìn ở góc độ các ngành với nhau thì vẫn còn chồng chéo.
Trong 10 tháng năm 2019, toàn ngành tài chính đã thực hiện trên 73,9 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra, kiến nghị xử lý về tài chính trên 48,3 nghìn tỷ đồng, Trong đó, thu nộp vào NSNN 14,8 nghìn tỷ đồng, kiến nghị tài chính khác là 33 nghìn tỷ đồng, riêng số giảm lỗ là 29,9 nghìn tỷ đồng.
Số tiền đã thực nộp vào NSNN là 10,3 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang tích cực đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.