Thống kê tại thời điểm đóng cửa phiên sáng 5/9, sau thời gian liên tục điều chỉnh, hiện 16 cổ phiếu ngân hàng đã rớt về dưới 20.000 đồng; trong đó, 3 mã ABB, VBB, VAB về dưới mệnh giá 10.000 đồng.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vndirect, nhà đầu tư cần thận trọng hơn đối với triển vọng ngắn hạn của cổ phiếu ngành ngân, do những lo ngại về chi phí vốn cao và tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Việc lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh được dự báo tiếp tục gây áp lực lên chi phí vốn cho đến ít nhất là nửa đầu năm năm 2023.
Hiện các ngân hàng đã tích cực mở rộng danh mục cho vay bán lẻ trong cơ cấu tín dụng kể từ quý II để tối ưu lợi suất tài sản và duy trì NIM. Thời gian tới, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và thanh khoản dồi dào có thể tối ưu hóa chi phí vốn để vượt qua rủi ro NIM thu hẹp.
Về tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại khi giới phân tích đánh giá ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm nay, khi mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.
Đầu tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho ngành ngân hàng. Theo ước hạn mức tín dụng mới của các ngân hàng này (chiếm 80% tín dụng hệ thống), tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt gần 13% vào cuối năm, sát với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, tín dụng toàn ngành đã tăng mạnh 9,91% so với đầu năm tính đến cuối tháng 8, nhưng đà tăng đã chậm lại khi chỉ tăng thêm 0,47% kể từ quý II.
Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agriseco Research) cũng nhận định, đ ộng lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 từ đó sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021.
Dù vậy, theo chuyên viên Nguyễn Tánh, Công ty Chứng khoán Yuanta, việc NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới sẽ phân hoá tác động tới từng ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng có tỷ lệ LDR thấp như là HDB, MSB, VIB, VPB, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như là ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn. Đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như TCB, MBB, và VCB sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.
Về phía các nhà môi giới chứng khoán ghi nhận những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm.
Hơn nữa, tâm lý thị trường đối với nhóm ngân hàng còn bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp mục đích để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường vốn trong dài hạn.
Tuy vậy, về dài hạn, nhóm phân tích của Agriseco Research duy trì quan điểm cổ phiếu ngành ngân hàng là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống đang diễn ra mạnh mẽ.
Nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư. Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Trên thị trường giao dịch, sau khi tạo đáy vào tháng 6/2022, cổ phiếu ngành ngân hàng đã bật tăng khoảng 15% trong 2 tháng sau đó và tiếp tục bị điều chỉnh từ đầu tháng 9, giảm khoảng 16% trong bối cảnh vĩ mô biến động, áp lực gia tăng lãi suất.
Lũy kế từ mức đỉnh đầu năm vào tháng 2 cho tới nay, cổ phiếu ngành ngân hàng đã được chiết khấu, trung bình khoảng 40%.
Tạm đóng cửa phiên sáng 5/10, sắc xanh lan toả toàn thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng chứng kiến sự phục hồi với mức tăng tới 5%. TCB, VPB, BID, MBB, SHB... đồng loạt tăng, không ghi nhận mã giảm, chỉ có 2 mã giữ mức tham chiếu là KLB và TPB.