Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch, trong 8 tháng qua, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022. Đáng chú ý, lượng khách du lịch nội địa tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch và gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt).
Điều này cho thấy thị trường du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi. Trong khi đó, lượng khách quốc tế cũng đang dần hồi phục. Thu từ khách du lịch trong 8 tháng năm 2022 khoảng 356.600 tỷ đồng, đạt 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trái ngược với diễn biến tích cực của thị trường du lịch, giao dịch của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp trong ngành du lịch, dịch vụ giải trí và hàng không trên cả 3 sàn chứng khoán lại khá kém sắc. Đặc biệt, nhiều cổ phiếu rơi vào tình trạng cảnh báo, hạn chế giao dịch, thậm chí có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo cổ phiếu HOT của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Hội An có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục. Hiện HOT thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát và tiếp tục lỗ bán niên 2022.
Trong 2 năm 2020 - 2021, hoạt động kinh doanh của HOT bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, dẫn đến bị thua lỗ. Bước sang năm 2022, tình hình kinh doanh tuy có cải thiện, nhưng vẫn trong tình trạng thua lỗ. Tính đến thời điểm 30/6/2022, HOT lỗ lũy kế hơn 57 tỷ đồng.
Theo văn bản giải trình của HOT, từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam mở cửa trở lại, hoạt động du lịch cả nước đã thực sự sôi động. Mặc dù thuận lợi về thị trường khách du lịch và các tỉnh miền Trung đón lượng khách lớn, HOT cũng gặp không ít khó khăn.
Trong điều kiện khó khăn, doanh thu tụt giảm nhưng chi phí thuê đất tăng đột biến khiến mức lỗ năm 2022 tăng đột biến, dù công ty đã nỗ lực tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 trong báo cáo tài chính riêng trên 11 tỷ đồng.
Một cổ phiếu liên quan đến ngành dịch vụ du lịch cũng nằm trong diện có nguy cơ hủy niêm yết trên HOSE đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Đó là HVN - cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines). Ngày 7/9, HOSE đã có văn bản lưu ý đến khả năng hủy niêm yết cổ phiếu này.
Trong báo cáo hợp nhất soát xét bán niên 2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng hơn 5.000 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2022 là gần 29.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và gần 13.000 tỷ đồng trong năm 2020 và 2021. Do đó, HOSE nhấn mạnh tới khả năng hãng hàng không quốc gia bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục lỗ ròng hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. Trước đó, ngày 1/6, HOSE cũng thông báo giữ nguyên diện kiểm soát đổi với cổ phiếu HVN.
VTR - cổ phiếu của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) và là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực du lịch cũng mới rơi vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần từ ngày 13/6.
Nguyên nhân là do Vietravel bị âm vốn chủ sở hữu. Theo báo cáo tài chính bán niên, đến 30/6, Vietravel ghi nhận vốn chủ sở hữu âm hơn 104 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế 300 tỷ đồng sau 2 năm ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch.
Sau kỳ soát xét bán niên, cổ phiếu của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT) cũng tiếp tục nằm trong diện cảnh báo kể từ ngày 21/6/2022. Tính đến cuối quý 2/2022, NVT lỗ sau thuế chưa phân phối 710 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022.
Ngoài việc có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung hoặc hạn chế giao dịch, diễn biến của nhiều cổ phiếu ngành du lịch, dịch vụ trên cả 3 sàn diễn ra khá buồn tẻ. Khối lượng giao dịch bình quân của nhiều cổ phiếu chỉ vài nghìn đơn vị, thậm chí có cổ phiếu “đứng im” trong nhiều phiên.
Để khắc phục tình trạng kinh doanh cũng như việc cổ phiếu bị kiểm soát, một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch ứng phó. Chẳng hạn, HOT cho biết sẽ áp dụng nhiều biện pháp về ổn định bộ máy nhân sự và chất lượng cơ sở vật chất, củng cố mạng lưới bán hàng và tiếp thị, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát chi phí, hỗ trợ các công ty thành viên, có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Trả lời báo chí mới đây, đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết, hãng chưa nghĩ đến nguy cơ phải rời khỏi sàn chứng khoán. Thời gian từ nay đến cuối năm vẫn còn và Vietnam Airlines nỗ lực đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
Tổng công ty đang có kế hoạch thoái vốn tại Pacific Airlines. Nếu thoái vốn, chuyển nhượng thành công, hãng hàng không này sẽ giảm lỗ ngay trên báo cáo hợp nhất khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng…