Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, với sự tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhóm ngành, đặc biệt dòng ngân hàng khoảng 25% trong năm 2022 sẽ đưa chỉ số P/E forward (giá thị trường cổ phiếu/thu nhập trên mỗi cổ phiếu) kỳ vọng về mức 10.
Bản tin sáng 22/9 của CTCP chứng khoán Công thương (VietinBank Securities) có nêu về áp lực giảm điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn còn. Vào thời điểm diễn ra kỳ họp chính sách tiền tệ của FED vào ngày 20 - 21/9, VN-Index có phiên đi xuống trong ngày 21/9 với áp lực bán diễn ra trong suốt phiên giao dịch. Kết thúc phiên chiều 21/9, Vn-Index giảm hơn 8 điểm về mốc 1.210,55 điểm, khối lượng và giá trị giao dịch đều giảm mạnh so với phiên trước đó.
Tuy nhiên một số điểm sáng chú ý được VietinBank Securities đề cập là ngân hàng ADB vẫn giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam với tăng trưởng 6,5% năm 2022 dù dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kỳ I tháng 9/2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% (tương ứng giảm 9,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2022.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9/2022 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đến hết ngày 15/9 đạt 526,04 tỷ USD, tăng 15,7%, tương ứng tăng 71,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Với một số kết quả trên, ông Nguyễn Hồng Điệp khẳng định: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện tương đối sáng sủa khi lạm phát được kiểm soát tốt; tỷ giá chưa quá nóng, lãi suất chỉ tăng cục bộ. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý 3/2022 ở mức 2 con số, đưa cả năm 2022 vượt 7%.
“Dòng tiền đổ vào chứng khoán hiện yếu thể hiện lực cầu không đủ mạnh, nhưng ở khía cạnh khác lại cũng không đủ hàng để ‘đạp sâu’. Bối cảnh hiện tại khác thời VN-Index lập đỉnh 1.536 điểm và ‘xuống dốc không phanh’. Lúc đó, thanh khoản cao cũng là “con dao 2 lưỡi” trong trường hợp tâm lý bán tháo xảy ra”, đại diện CTCP Tư vấn Đầu tư S-Talk nhận định.
Hiện, một nhà nhà đầu tư lo ngại FED sẽ giữ thái độ “diều hâu” (thắt chặt tiền tệ để hạ lạm phát) trong thời gian dài hơn so với ước tính trước đó. Dự báo, FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 125 điểm phần trăm trong 2 cuộc họp còn lại của năm nay. Dù kịch bản FED tăng lãi suất đã được nhiều công ty chứng khoán đưa ra từ trước nhưng thực tế chứng minh, TTCK Việt Nam luôn rơi vào tình trạng bán tháo mạnh sau mỗi lần chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones - chỉ số quan trọng trên TTCK Mỹ lao dốc.
“Thị trường có thể tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại và biến động mạnh do ảnh hưởng từ cuộc họp của FED. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức cao cho nên áp lực giảm vẫn còn rất lớn, nhưng mức 1.200 điểm của VN-Index là mức hỗ trợ mạnh cho chỉ số này”, đại diện CTCK Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định:
Theo đó, ở kịch bản tích cực, nếu VN-Index tiếp tục biến động trong vùng 1.200 - 1.213 điểm thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài và vẫn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp 30 - 35% danh mục.
Trong báo cáo triển vọng TTCK cập nhật mới đây, Mirae Asset nhấn mạnh, những bất ổn gần đây do các sự kiện địa chính trị trên thế giới càng giúp những ưu điểm của Việt Nam nổi bật hơn nữa.
Nhìn về cuối năm 2022, giá cả hàng hóa hạ nhiệt góp phần giảm áp lực lạm phát và nới rộng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất trong cuối năm 2022; thương mại quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do hạn hán kỷ lục đang xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực và các hàng hóa khác trong tương lai.
Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu; kết quả kinh doanh khả quan của ngành Năng lượng có thể chưa được phản ánh đầy đủ; mặt bằng lãi suất dự kiến tăng nhẹ cuối năm 2022 (với mục tiêu ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát) sẽ tác động đến các ngành/ công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp đặt trong bối cảnh thị trường đang được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS gần 29% trong năm 2022.
Chứng khoán giao dịch trong sắc đỏ sau khi FED tăng lãi suất
Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau khi FED nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và dự báo có nhiều đợt nâng lãi suất mạnh hơn kéo theo TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch sáng 22/9 tiếp tục giảm do sức ép của các mã bluechip.
Ngay khi mở cửa phiên sáng 22/9, VN-Index đã sụt điểm do áp lực bán mạnh ở nhiều mã vốn hóa lớn, sau đó lan rộng ra toàn thị trường khiến chỉ số trở nên xấu hơn và đánh mất ngưỡng tâm lý rất quan trọng 1.200 điểm.
Chốt phiên sáng 22/9, sàn HOSE có 84 mã tăng và 348 mã giảm, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,99%), xuống 1.198,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 208,1 triệu đơn vị, giá trị 5.096 tỷ đồng, tăng hơn 20% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,6 triệu đơn vị, giá trị 610 tỷ đồng. Diễn biến bán tháo còn xuất hiện ở HNX khi mất 3,27 điểm (-1,23%) xuống 261,82 điểm và UPCoM-Index giảm 0,57% về 87,73 điểm.
Theo đó, các mã lớn giảm sâu như: VHM -2,6% xuống 56.800 đồng/cổ phiếu; MWG -2,1% xuống 68.500 đồng/cỏ phiếu; VIC -2,1% xuống 61.800 đồng/cổ phiếu; MSN -1,9% xuống 109.900 đồng/cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB của Vietcombank dẫn đầu rơi 1,5% xuống 77.700 đồng/cổ phiếu; Các mã lớn thuộc nhóm này như CTG mất 1,8%; VPB giảm 1,5% hay thậm chí mã nhỏ hơn như NVB lao dốc đến 9,3%.
"Tâm lý giới đầu tư đều đang bị chi phối rất lớn về mức lãi suất mà Fed điều chỉnh. Vậy nên xu hướng hiện tại dễ bị tác động bởi rất nhiều yếu tố bên ngoài, khiến mọi dự đoán khó có xác suất đúng cao. “Chúng tôi đã khuyến nghị quý nhà đầu tư mua thăm dò quanh mốc hỗ trợ 1.200 điểm, tạm thời, cần tiếp tục quan sát thêm, nếu danh mục mua thăm dò đã có lợi nhuận thì mới mở thêm vị thế mua mới để gia tăng tỷ trọng”, đại diện CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nêu.