Tăng trưởng tín dụng của Eurozone có dấu hiệu 'thoát đáy'

Tốc độ tăng trưởng của cung tiền M3 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt 2,2% trong tháng 6/2024. Mặc dù có những tín hiệu tích cực như tăng trưởng tín dụng cho khu vực tư nhân bắt đầu cải thiện, song tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm và chưa đạt được mức độ như mong đợi.

Chú thích ảnh
Đồng EURO. Ảnh: AFP/TTXVN

M3 bao gồm tiền mặt, tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, các chứng chỉ tiền gửi, các công cụ thị trường tiền tệ như trái phiếu ngắn hạn, giấy tờ có giá trị tương đương tiền mặt. Theo quan điểm của các nhà kinh tế, những số liệu hàng tháng về tăng trưởng nguồn cung tiền cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự phát triển lạm phát ở Eurozone. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nguồn cung tiền và lạm phát được xem là khá phức tạp.

Tăng trưởng tín dụng khiêm tốn

Theo khảo sát tăng trưởng tín dụng khu vực Eurozone công bố ngày 25/7, tăng trưởng M3 của khu vực này đã tăng 2,2% trong tháng 6/2024, tăng so với mức 1,5% trong tháng 5/2024. Điều này phản ánh mức tăng trưởng ổn định của các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp.

Trong tháng 6/2024, các ngân hàng trong khu vực Eurozone đã tăng những khoản vay dành cho doanh nghiệp thêm 0,7% so với cùng kỳ năm trước sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào đầu tháng Sáu. Trong tháng 5/2024, mức tăng này chỉ là 0,3%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của các hộ gia đình vẫn khiêm tốn. Các ngân hàng chỉ cấp thêm 0,3% các khoản vay cho hộ gia đình trong tháng 6/2024 so với một năm trước, tương đương mức 0,3% trong tháng 5/2024.

Nhìn chung, điều này vẫn phản ánh điều kiện tín dụng khá chặt chẽ. Theo cuộc khảo sát cho vay ngân hàng gần đây nhất của ECB, tiêu chuẩn cho vay cho doanh nghiệp thắt chặt nhẹ trong quý II/2024, trong khi tiêu chuẩn cho vay thế chấp giảm nhẹ. Trong bối cảnh này, các ngân hàng dự kiến sẽ tăng nhẹ nhu cầu vay vốn vào nửa cuối năm. Do đó, tăng trưởng tín dụng dường như chạm đáy và bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn cách xa mức bình thường. Trước khi ECB bắt đầu thắt chặt tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 5%.

Đi từng bước thận trọng

Trong năm qua, ECB đã nhiều lần nhấn mạnh rằng quyết định lãi suất sẽ dựa trên đánh giá triển vọng lạm phát, xu hướng của lạm phát cơ bản và mức độ hiệu quả mà các quyết định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương được lan tỏa và có tác động đến nền kinh tế rộng lớn.

Đối với vấn đề thứ ba, các số liệu ngày nay cho thấy rằng mặc dù có một số dấu hiệu cải thiện, song các động lực tín dụng, tức là các yếu tố và quá trình thúc đẩy sự thay đổi trong việc cung cấp và sử dụng tín dụng trong nền kinh tế, vẫn yếu. Cùng với số liệu về niềm tin suy yếu gần đây, hy vọng về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 vẫn được giữ nguyên. Điều này phần nào cho thấy chính sách tiền tệ của ECB có tác dụng.

ECB đã hạ lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm vào đầu tháng 6/2024. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo của mình hồi tuần trước. Đối với cuộc họp đầu tiên sau kỳ nghỉ Hè vào tháng 9/2024, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn để ngỏ mọi khả năng về chính sách tiền tệ. 

Trước đó, một cuộc khảo sát đưa ra ngày 24/7 cho thấy hoạt động kinh doanh của Eurozone đã chững lại trong tháng 7/2024 do mức tăng trưởng của ngành dịch vụ không thể bù đắp được cho sự suy giảm của các nhà sản xuất. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp sơ bộ của HCOB do S&P Global cung cấp, đã giảm xuống 50,1 trong tháng 7/2024 từ mức 50,9 của tháng 6/2024, chỉ cao hơn một chút so với mốc 50, ngưỡng phân biệt tăng trưởng với suy giảm.

Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters vào đầu tháng 7/2024, kinh tế Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 0,7% trong năm 2024 và 1,4% vào năm 2025. Cuộc thăm dò cho thấy Đức, nền kinh tế số một của khu vực, sẽ tăng trưởng 0,2% trong năm nay và 1,2% vào năm 2025.

Chỉ số PMI bao gồm lĩnh vực dịch vụ của Eurozone đã giảm xuống 51,9 trong tháng 7/2024 từ mức 52,8 trước đó.

Minh Hằng (Tổng hợp) (TTXVN)
Eurozone: Tăng lương không phải là yếu tố gây tăng lạm phát
Eurozone: Tăng lương không phải là yếu tố gây tăng lạm phát

Mặc dù việc điều chỉnh tăng lương theo lạm phát đã được thực hiện, nhưng quý I/2024, 16 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có một số nước thuộc khu vực đồng euro (Eurozone), vẫn có mức lương thực tế thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, tức là vào cuối năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN