Sức mua tăng mạnh, hàng hóa dồi dào

Ngày cuối năm Canh Tý (tức 29 tháng Chạp âm lịch) sức mua tăng mạnh, khiến nhiều mặt hàng cũng tăng giá theo, nhưng hàng hóa vẫn rất dồi dào đảm bảo phục vụ bà con mua sắm. 

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Sáng ngày 10/2, người tiêu dùng tại Hà Nội đổ ra đường khá đông, đặc biệt là tại các chợ dân sinh, siêu thị để mua sắm hàng hóa phục vụ Tết Tân Sửu đang cận kề. 

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh như: Nguyễn Công Trứ, Mùng 8/3, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Gốc Đề, chợ Thanh Xuân, chợ Thành Công, chợ Kim Liên,… giá cả một số mặt hàng có biến động tăng nhẹ so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm Tết Canh Tý, thì giá cả hàng hóa khá mềm. Nguồn cung hàng hóa dồi dào.

Về giá thực phẩm, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh hiện dao động trong khoảng từ 130.000 – 200.000 đồng/kg, trong đó, đắt nhất là sườn lợn, giá khoảng 200.000 đồng/kg, nạc vai 180.000 đồng/kg, chân giò 150.000 đồng/kg, mông sấn 150.000 đồng/kg… Đối với thịt bò, giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, trong đó, đắt nhất là thăn bò giá được các tiểu thương bán ở mức 300.000 đồng/kg. Giá gà trống choai lông vào khoảng 135.000 – 150.000 đồng/kg tùy chợ, trong khi giá gà mái ở mức rẻ hơn khoàng 120.000- 130.000 đồng/kg. 

Trong sáng nay, giá các loại trái cây đắt lên khá nhiều so với những ngày trước đó. Cụ thể, thanh long loại đẹp, tai cong, quả tròn giá ở mức 70.000 đồng/kg, trước đó ngày (9/2), ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh giá chỉ ở mức 45.000 đồng/kg; xoài thái hiện ở mức 60.000 đồng/kg; xoài cát chu cũng ở mức 70.000 đồng/kg (ghi nhận mức giá ngày hôm 9/2 ở mức 40.000 đồng/kg); na 90.000 đồng/kg; dưa hấu giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg tùy loại; quả sung  và ớt đỏ được nhiều nhà mua về bầy mâm ngũ quả, giá 2 loại quả này năm nay khá đắt; giá quả sung 200.000 đồng/kg; ớt đỏ bầy mâm ngũ quả khoảng 2.000 đồng/quả.

Năm nay, chuối xanh và cau tươi cũng đắt hơn so với mọi năm. Chuối xanh loại 1, nải đẹp, cong và quả lẻ  giá từ 200.000 – 250.000 đồng/nải, đối với những nải loại trung bình, giá từ 30.000 – 100.000 đồng/nải. Trong khi đó, giá cau tươi ở mức 15.000 – 20.000 đồng/quả.

Các tiểu thương ở chợ đầu mối phía Nam cho biết, năm nay mất mùa cau nên giá đắt gấp đôi so với năm ngoái.

Giá rau xanh hôm nay cũng tăng hơn so với với mọi ngày. Su hào giá 5.000 – 7.000 đồng/củ; súp lơ giá từ 10.000 – 20.000 đồng/chiếc;…

Thịt bắp bò có giá đến 450.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt thăn bò có giá 330.000 – 350.000 đồng/kg, bắp bò có giá 450.000 đồng/kg, các loại thịt riềm, rẻ sườn có giá từ 220.000 – 300.000 đồng/kg, tất cả đều tăng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/kg so với vài ngày trước.

Theo bác Phạm Thị Hương một tiểu thương ở chợ Nguyễn Công Trứ, bắp bò ngày thường bán với giá 350.000 đồng/kg. Nay do giá tăng từ nguồn cung cấp, nên bán lẻ cũng tăng theo.

Giò và chả có giá từ 200.000 – 220.000 đồng/kg, tăng từ 40.000 – 60.000 đồng/kg tùy chợ. Tôm nớt loại to có giá 350.000 – 450.000 đồng đồng/kg tùy theo chợ, tăng khoảng 50.000 – 100.000 đồng/kg so với trước 23 tháng Chạp.

Hoa tươi hôm nay cũng tràn ngập khắp các chợ. Tuy nhiên, giá nhiều loại hoa ở mức tương đương năm ngoái. Giá hoa lay ơn từ 100.000 – 150.000 đồng/chục; hoa hồng từ 5.000 – 10.000 đồng/bông; hoa cúc ở mức 5.000 đồng/bông; hoa violet ở mức 30.000 đồng/bó; hoa loa kèn từ 50.000 – 70.000 đồng/bó 20 bông. Hoa đào cũng được bày bán khắp các chợ, giá hoa đào năm nay khá mềm, từ 100.000 -500.000 đồng/cành, tùy loại. Tương tự đối với cây quất, năm nay, quất quả nhỏ và ít người buôn, giá bán khá rẻ từ 200.000- 1.000.000 đồng/cây tùy loại.

Tại chợ đầu mối phía Nam, những chậu lan nhỏ cũng được đông đảo người tiêu dùng chọn mua. Giá những chậu lan này khá mềm, chỉ từ 70.000 – 150.000 đồng/chậu. Cùng với đó là các loại cây hoa như cây đỗ quyên, cây hoa cúc, cây hoa hồng cũng được đông đảo người tiêu dùng chọn mua.

Anh Bùi Văn Toàn, ở đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà  Trưng- Hà Nội cho biết: “Hôm nay đã là 29 Tết, tôi ra chợ sắm cành đào về để cắm trên ban thờ. Tôi thấy hoa đào năm nay nở rất đẹp do thời tiết ấm, mà giá cả cũng thấp hơn năm ngoái”.

Chị Nguyễn Kim Lan, ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội cho biết: “Hôm nay, tôi đi chợ sắm đồ lễ thắp hương cho cả lễ tất niên, giao thừa và 3 ngày Tết. Tôi thấy chợ hôm nay rất đông không như mấy hôm trước người đi mua sắm thưa thớt. Đặc biệt giá cả ngày hôm nay một số mặt hàng hoa quả thắp hương cao hơn gấp rưỡi so với hôm qua. Vì hoa quả thắp hương phải tươi nên mọi người thường sát ngày mới đi mua nên giá tăng lên. Năm nay, dịch COVID-19, gia đình tôi chọn ăn Tết ở nhà, hạn chế đến những nơi đông người, cũng như đi chúc Tết mọi nhà, do đó, đồ thực phẩm tôi lựa chọn mua vừa đủ vì chợ và siêu thị cũng mở bán sớm rất tiện lợi”.

Trước đó, để tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi trường hợp, nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, kiên quyết không để xảy ra lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để nhân dân nhận thức và hiểu rõ được tác hại, mức độ lây bệnh của dịch bệnh, nhất là tự giác trong khai báo y tế, nâng cao trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch và thực hiện tốt thông điệp 5K, gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế; hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội...

Cùng với chủ động phòng dịch, khi thời điểm tết nguyên đán đang rất cận kề, Hà Nội cũng đã chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dồi dào để người dân có thể mua sắm phục vụ Tết. 

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án tương ứng với 3 cấp độ dịch. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn Thành phố đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tăng gấp 1-3 lần ngày thường để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Các siêu thị, cửa hàng mua sắm cũng triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch, như bắt buộc nhân viên phục vụ và người dân đến mua sắm phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn, bố trí các điểm thanh toán hợp lý để giãn khoảng cánh, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến... nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi đi sắm Tết.

Cũng nhằm động viên, chăm lo kịp thời đến lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong những ngày này, các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, động viên và tặng quà hỗ trợ cho từng cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế mỗi người 3 triệu đồng tại 8 điểm cách ly tập trung, với tổng trị giá gần 2,4 tỷ đồng được trích từ nguồn quỹ phòng, chống COVID-19 do Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vận động. Tại các điểm đến thăm, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo bên cạnh việc chăm lo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, cần quan tâm chăm lo đến những người cách ly, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em để đảm bảo mọi người đều được vui Xuân, đón Tết. Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đồng ý tăng chế độ tiền ăn lên 250.000 đồng/người/ngày cho cả 2 đối tượng: Người bị cách ly và lực lượng phục vụ công tác cách ly trong 5 ngày Tết.

Nam Giang (TTXVN)
Quảng Ninh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân
Quảng Ninh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân

Với tinh thần đảm bảo hàng hóa lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với các nhà phân phối lớn, các trung tâm thương mại, siêu thị tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của người dân Quảng Ninh, nhất là ở những vùng đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN