Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 5 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,3 - 80,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Ngược chiều giá vàng SJC sáng này đi ngang, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 70 - 71,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 70,23 -71,43 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt hôm qua.
Theo các chuyên gia phân tích, giá vàng SJC trong nước khép lại quý I với mức tăng trưởng khoảng 8%; riêng tháng 3 tăng hơn 1,25% với nhịp điều chỉnh mạnh nhất vào thời điểm 10 - 12/3, lên 82,5 triệu đồng/lượng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Cùng với đà tăng của giá vàng SJC, giá vàng thế giới đánh dấu mức tăng 9% trong tháng này và kết thúc quý I/2024 là quý tăng thứ 2 liên tiếp, nhờ triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và nhu cầu mua vào tài sản an toàn lớn.
Trước đó, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên 28/3, do thị trường kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất và nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản gia tăng. Trong phiên này, giá vàng đạt mức cao kỷ lục 2.225,09 USD/ounce.