Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,7%; công nghiệp khai khoáng giảm 9,8%, chiếm tỉ trọng nhỏ nên không tác động nhiều đến tăng trưởng chung toàn ngành.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tính riêng tháng 2/2021 lại giảm mạnh 23,2% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do tháng 2 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp chỉ sản xuất được 3/4 thời gian so với bình quân các tháng trong năm.
Đồng thời, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi vào tháng 1/2020 nên số ngày làm việc tháng 02/2020 nhiều hơn so với tháng 02/2021. Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 24,4% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện giảm 13,9%, cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 1,6%; ngành khai khoáng giảm 21,6% so với tháng trước.
Đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo đầu năm nay có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, một số ngành đạt mức tăng cao: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 37,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,5%; sản xuất đồ uống tăng 14,3%.
Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,8%; sản phẩm từ kim loại tăng 8,3%; sản xuất kim loại tăng 6,9%; sản xuất trang phục tăng 6,1%. Một số ngành sản xuất có chỉ số IIP 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ: công nghiệp dệt giảm 0,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 1,5%.
Ngay từ đầu năm, thành phố Hà Nội cùng các ngành chức năng tăng cường hoạt động liên kết chuỗi cung ứng thông qua tổ chức kết nối cung cầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Một số sản phẩm sản xuất tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Hai ước tính giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 1%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 4,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,8%.
Chia theo ngành kinh tế, trong 2 tháng đầu năm, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó tăng mạnh là lao động ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, tăng 20,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,5%). Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,1%. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,6%; ngành khai khoáng giảm 47,7%.
Nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch COVID - 19 trên địa bàn. Theo đó, giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức hoạt động giới thiệu, kết nối các sản phẩm khó tiêu thụ từ các địa phương về tiêu thụ các sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, kết nối thông tin với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ thông tin kết nối nguồn hàng giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các tỉnh với các siêu thị, chợ, cửa hàng trên địa bàn. Thành phố Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ các vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải.