Hồi phục và tăng trưởng
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, do ảnh hưởng kép của thời tiết khô hạn kéo dài và dịch COVID-19 nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giảm sút mạnh trong những tháng đầu năm 2020.
Bắt đầu từ tháng 5/2020, nhờ hoạt động tích cực của các doanh nghiệp và việc triển khai các biện pháp hỗ trợ trong việc nhập cảnh chuyên gia kỹ thuật, nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động sản xuất đã được phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao. Giá trị sản suất công nghiệp năm 2020 của tỉnh Lào Cai đạt 37.050,8 tỷ đồng, bằng 102,4% so với kế hoạch, tăng 12,5% so với năm 2019.
Trong lĩnh vực công nghiệp khai thác, do đưa vào hoạt động ổn định dự án đồng Tả Phời và mở rộng tuyển đồng Sin Quyền nên sản lượng đạt cao. Khai thác apatit ổn định, quặng sắt do khó khăn của nhà máy luyện gang thép và không thực hiện được xuất khẩu nên sản lượng giảm sút. Sản xuất phốt pho vàng, các loại phân bón, axit photphoric năm 2020 cũng có sản lượng tăng cao. Đặc biệt, đã có thêm một nhà máy phốt pho đỏ đã hoàn thiện đi vào sản xuất ổn định tạo ra sản phẩm mới cho công nghiệp Lào Cai. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo đạt 26.380 tỷ đồng, bằng 106,3% so với kế hoạch năm, tăng 10,3% so với năm 2019.
Ngoài ra, do lượng mưa ổn định vào thời gian từ giữa năm 2020, đồng thời trong năm có thêm 7 nhà máy thủy điện hoàn thành (Minh Lương Thượng, Bắc Nà 1, Bắc Cuông, Ngòi Phát mở rộng, Suối Chút 2, Nậm Phàng B, Suối Chăn 1), nâng tổng số dự án hoàn thành là 61 dự án với tổng công suất lắp máy là 979,15MW nên sản lượng của các nhà máy thủy điện tăng rất cao. Giá trị sản xuất công nghiệp điện nước năm 2020 đạt 7.907 tỷ đồng, bằng 103% so với kế hoạch năm, tăng 35,5% so với năm 2019.
Tiếp tục gỡ khó
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nên nhiều cơ chế, chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp trên đia bàn. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai đã đặt ra mục tiêu năm 2021 phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.400 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thực hiện năm 2020 và tương đương với giá tri sản xuất công nghiệp mới tăng thêm là 3.300 tỷ động.
Theo kế hoạch, Nhà máy luyện đồng Bản Qua đi vào hoạt động chính thức cuối năm 2021 sẽ đóng góp thêm trên 2.300 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp (gồm 10.000 tấn đồng Katot, 50.000 tấn Axit Sunfuaric, 600 kg vàng và 600 kg bạc). Nhà máy tuyển đồng Tả Phời và nhà máy tuyển đồng Sin Quyền hoạt động với công suất thiết kế sẽ tăng so với năm 2020 khoảng 30.000 tấn tinh quặng đồng, tương đương với khoảng 300 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong năm 2021, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập chung tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Trong đó, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khai thác, chế biến và tiêu thụ quặng apatit, quặng sắt mỏ Quý Xa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị, chuyên gia và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Tỉnh Lào Cai cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án công nghiệp sớm đưa vào hoạt động. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, duy trì sản xuất ổn định các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai cũng đang nghiên cứu để ban hành Chỉ thị về tăng cường giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị quản lý thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản quặng apatit, đồng, sắt trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng đã có văn bản đề nghị Bộ tài chính điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên đối với quặng Apatit loại III trên địa bàn.
Hiện nay, theo quy định của Bộ tài chính, khung giá tính thuế tài nguyên đối với quặng apatit loại III được tính giá tối thiểu 350.000 đồng/tấn và giá tối đa là 500.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, thực tế giá giao dịch mua bán quặng Apatit loại III trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua giao động từ 60.000-80.000 đồng/tấn. Với giá giao dịch thực tế trên thấp hơn từ 77-83% so với giá tối thiểu theo quy định của Bộ tài chính.
Trước những khó khăn trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã báo cáo và đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh khung thuế đối với quặng apatit loại III xuống mức giá tối thiểu là 160 đồng/tấn và tối đa 500.000 đồng/tấn. Đối với quặng Apatit loại tuyển, tỉnh lào Cai cũng đề nghị Bộ tài chính điều chỉnh về mức giá tối thiểu là 550.000 đồng/tấn và mức tối đa là 1.400.000 đồng/tấn.