Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 2,67 USD (2,6%) lên 104,99 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 3,16 USD (3,2%) lên 101,70 USD/thùng.
Các nhà quan sát cho biết giá dầu đã trải qua một phiên giao dịch đầy biến động khi giá dầu Brent có lúc rơi xuống mức thấp 101,08 USD/thùng và giá dầu WTI giảm xuống 97,06 USD/thùng, do mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong phiên trước (25/4), giá cả hai mặt hàng này đều giảm khoảng 4%.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ tăng cường chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Theo các chuyên gia, việc PBoC tung ra bất kỳ biện pháp kích thích nào cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty tài chính Price Futures Group, có trụ sở tại Mỹ, nhận định các nhà giao dịch đang tạm gác lại mối lo về chính sách phong tỏa tại các thành phố lớn của Trung Quốc và tập trung vào các biện pháp kích thích kinh tế.
Phiên này, giá dầu diesel trên sàn NYMEX đã tăng 9,2% lên 4,47 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), mức đóng cửa cao kỷ lục, sau khi Ba Lan cho biết Nga cảnh báo rằng nguồn cung khí đốt sẽ ngừng trong ngày 27/4.
Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đồng ý yêu cầu của Nga trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble theo các quy định mới Nga công bố vào tháng trước. Về phần mình, Nga đã cảnh báo châu Âu rằng họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt trừ phi thanh toán bằng đồng ruble.
Hiện Liên minh châu Âu đang tiếp tục xem xét các phương án để cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga như một phần trong các lệnh trừng phạt nhằm vào "xứ bạch dương".