Giá dầu thế giới giảm 4% trước lo ngại về nhu cầu

Giá dầu thế giới giảm khoảng 4% xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua trong phiên giao dịch 25/4 trước những lo ngại ngày càng gia tăng về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu do tình trạng phong tỏa kéo dài tại Thượng Hải và khả năng lãi suất tăng tại Mỹ.

Chú thích ảnh
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4,33 USD, hay 4,1%, xuống 102,32 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,53 USD, hay 3,5%, và đóng phiên ở mức 98,54 USD/thùng. Đây đều là các mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 11/4 sau khi giá dầu giảm gần 5% trong tuần trước. Kể từ khi tăng lên mức cao nhất từ năm 2008 vào đầu tháng Ba, giá dầu đã giảm khoảng 25%.

Các chuyên gia của công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ) cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong năm nay trước xu hướng tăng lãi suất của Mỹ đã dẫn đến việc hạ các dự báo về nhu cầu dầu. Các chuyên gia này cho rằng xung đột tại Ukraine và tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc càng kéo dài thì tăng trưởng trong nhu cầu năng lượng có nguy cơ sẽ càng yếu.

Trước đó trong năm nay, giá dầu đã được hỗ trợ bởi tình trạng nguồn cung thắt chặt sau chiến dịch đặc biệt tại Ukraine của Nga. Thị trường “vàng đen” có thể thắt chặt hơn nữa nếu Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.

Tờ The Times of London dẫn lời Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết EU đang chuẩn bị các “lệnh trừng phạt khôn khéo” đối với hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga.

Nhưng ông Nikoline Bromander, chuyên gia phân tích cấp cao của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định dù EC đang xây dựng gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, nhưng một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga là điều không thể tại thời điểm này.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu thế giới mất gần 5% trong tuần qua
Giá dầu thế giới mất gần 5% trong tuần qua

Thị trường dầu mỏ biến động bất nhất trong tuần giao dịch vừa qua do triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm và nguồn cung bị thắt chặt do xung đột tiếp diễn giữa Nga và Ukraine. Mặc dù việc Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga, động thái có thể khiến nguồn cung trở nên eo hẹp hơn, song giá dầu vẫn mất gần 5% trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN