Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống còn 1.977,18 USD/ounce, sau khi có lúc giảm hơn 1%. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng 0,5% lên đóng cửa ở mức 1.982,80 USD/ounce.
Vào đầu phiên, giá kim loại quý này đã tăng 1% lên 2.009,59 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, chỉ kém kỷ lục được thiết lập trong thời gian bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA nhận định những nỗ lực hỗ trợ ngành ngân hàng đang được thực hiện và sẽ chưa kết thúc. Do đó, dòng tiền đổ vào các tài sản an toàn sẽ là giao dịch chính.
Trong nỗ lực hỗ trợ ngành ngân hàng, các ngân hàng trung ương hàng đầu đã có động thái thúc đẩy dòng tiền trên toàn thế giới hôm 19/3.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao, trong khi giá cổ phiếu phục hồi nhờ chương trình giải cứu Credit Suisse. Kế hoạch này đã giúp xoa dịu một số lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn hơn.
Giá vàng đã tăng hơn 100 USD sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank có trụ sở tại Mỹ vào đầu tháng này.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch), cho biết mức giá trên 2.000 USD/ounce có thể thúc đẩy một số hoạt động bán ra chốt lời, nhưng đây không phải là sự thay đổi hướng đi của vàng.
Kim loại quý trên vẫn được coi là tài sản an toàn trong thời kỳ bất ổn và môi trường lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí nắm giữ vàng và khiến mặt hàng này trở nên hấp dẫn hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra thông báo chính sách quan trọng sau cuộc họp từ ngày 21-22/3. Các thị trường dự báo có 59% cơ hội Fed sẽ giữ lãi suất trong phạm vi hiện tại là 4,5%-4,75% tại cuộc họp tuần này.
Vào đầu giờ sáng 21/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,90 - 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).