Báo cáo thu nhập giảm sút của các nhà bán lẻ Mỹ ngày 18/5 đã làm trầm trọng thêm những lo lắng về khả năng phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và lợi nhuận của các công ty. Điều này khiến thị trường trải qua một phiên giao dịch đầy khó khăn.
Chứng khoán Nhật Bản kết thúc chuỗi tăng liên tiếp trong bốn phiên, với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm hơn 2% trong thời gian ngắn do lo ngại giá hàng hóa tăng cao có thể "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp và khiến nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Kết thúc phiên giao dịch 19/5, Nikkei 225 giảm 1,89% xuống 26.402,84 điểm.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc sụt giảm trong phiên chiều nay sau khi tăng liên tiếp trong hai phiên trước đó, khi giới đầu tư giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro trong bối cảnh lo ngại về áp lực lạm phát tăng cao gây ra đợt bán tháo lớn trên Phố Wall và đồng won yếu đi so với đồng USD. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 33,64 điểm (tương đương 1,28%), đóng cửa ở mức 2.592,34 điểm.
Phiên này, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Hong tăng giảm trái chiều. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải tăng 0,36%, lên 3.096,96 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,54% xuống 20.120,60 điểm.
Các thị trường chứng khoán Sydney và Singapore và Đài Bắc cũng giảm trong phiên chiều nay, còn thị trường chứng khoán Jakarta tăng điểm.
Còn tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 19/5, VN-Index tăng rất nhẹ 0,88 điểm lên 1.241,64 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 496,7 triệu đơn vị, tương ứng gần 12.795 tỷ đồng. Toàn sàn có 151 mã tăng giá, 292 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
HNX-Index giảm nhẹ 1,82 điểm xuống 308,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 79,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.763 tỷ đồng. Toàn sàn có 66 mã tăng giá, 124 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.