Giá thép giảm theo giá nguyên vật liệu

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do giá nguyên vật liệu sản xuất quay đầu giảm, kéo giá thép giảm theo từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn. Giá thép hiện ở mức trên 18 triệu đồng/tấn.  

Chú thích ảnh
Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Báo cáo từ VSA cho hay, giá quặng sắt tuần qua giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4/2022. Mức giá này giảm khoảng từ 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận đầu tháng 5/2021 (khoảng từ 210 – 212 USD/tấn).

Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn, giảm 94 USD/tấn so với hồi đầu tháng 4/2022. Trong tháng 4/2022, giá thép phế nội địa giảm từ 1 - 1,2 triệu đồng/tấn, giữ ở mức 12,1 - 13 triệu đồng/tấn trong tháng 4/2022. Giá thép phế nhập khẩu cũng đã giảm 80 USD/tấn, giữ ở mức 570 USD/tấn vào cuối tháng 4 vừa qua.

Giá thép cán nóng (HRC) ngày 9/5/2022 ở mức 797 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4/2022. Nhìn chung, thị trường HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (thép cán nguội, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường chững lại. Các nhà phân phối tìm cách giảm lượng tồn kho nên lượng hàng xuất bán của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường. Các nhà máy tìm thêm thị trường đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Hoa Kỳ...

Trước đó, trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi ngày càng rõ nét với gam màu sáng hơn nhờ Chính phủ quyết liệt khôi phục và mở cửa các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý nhà phân phối tranh thủ đầu cơ hàng hóa trước khi giá lên nhằm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, các nhà máy thép tăng giá bán song điều tiết lượng bán có hạn chế.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 đến nay, thị trường giá nguyên liệu thế giới đảo chiều giảm trước sự sụt giảm nhu cầu. Thị trường thép Trung Quốc sụt giảm nhu cầu mạnh do chính sách của Chính phủ nước này với làn sóng dịch COVID-19.

Với việc giá nguyên liệu thế giới giảm, giá bán thép xây dựng trong nước đầu tháng 5/2022 đã điều chỉnh giảm trung bình từ 300 - 500 đồng/tấn kể từ cuối tháng 4/2022, hiện ở mức bình quân 18.250 -18.500 đồng/kg, tùy loại sản phầm và từng doanh nghiệp.

Cụ thể, giá thép Hòa Phát loại D10 giảm 310.000 đồng/tấn, xuống còn 18,63 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT); loại thép cuộn CB240 cũng giảm 300.000 đồng/tấn, xuống còn 18,4 triệu đồng/tấn.

Công ty Thép Việt Ý cũng thông báo giảm 310.000 đồng/tấn đối với 2 sản phẩm. Hiện giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này ở mức 18,58 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 là 18,68 triệu đồng/tấn.

Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 300.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Sau giảm giá, mức giá của 2 sản phẩm này hiện lần lượt là 18,57 triệu đồng/tấn và 18,88 triệu đồng/tấn.

Giá bán thép tại Tổng Công ty Thép Việt Nam còn 18,75 - 19,1 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Theo anh Khắc Khánh, chủ đại lý thép tại Hà Nội, dù giá đã hạ nhiệt so với thời điểm tháng 3 - khi giá bán lẻ thép lên hơn 20 triệu đồng/tấn, nhưng mức giá hiện nay vẫn cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Từ đầu năm đến nay, giá thép đã liên tục điều chỉnh, với mức tăng từ 3-4 triệu đồng/tấn. Với mức giảm hiện nay, các đại lý thép đều kỳ vọng, doanh số tiêu thụ sẽ khả quan hơn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 4 tháng đầu năm, ngành thép sản xuất hơn 11,4 triệu tấn thép thành phẩm, tăng hơn 2% so với cùng kỳ 2021. Lượng thép tiêu thụ đạt gần 10,6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn (tăng trên 9%).

Riêng mặt hàng thép xây dựng, sản xuất trong nước tháng 4/2022 đạt hơn 1,14 triệu tấn, giảm hơn 18% so với tháng 3/2022 và giảm 3,8% so với cùng kỳ. Mức tiêu thụ đạt hơn 884.000 tấn, tăng 38,7% so với tháng trước nhưng giảm 33,6% so với cùng kỳ.

VSA đánh giá, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường nội địa. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng từ 20 - 30% nhu cầu sản xuất, từ 70 - 80% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu. Do đó, giá thép tại Việt Nam gần như phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới.

Việc giá thép giảm sẽ giúp các nhà thầu công trình hạ tầng giao thông, đầu tư công hay xây dựng dân dụng công nghiệp đẩy nhanh thi công do bớt áp lực, khó khăn khi giá vật liệu xây dựng tăng cao. Họ hy vọng chuỗi giảm giá thép xây dựng sẽ kéo dài thêm trong thời gian tới để giảm gánh nặng chi phí. Hiện thép chiếm khoảng từ 20 - 30% chi phí xây dựng của các nhà thầu thi công trong mỗi công trình...

Đức Dũng (TTXVN)
Bản tin MXV 18/5: Thị trường kim loại hạ nhiệt, giá thép trong nước giảm 800.000 đồng/tấn
Bản tin MXV 18/5: Thị trường kim loại hạ nhiệt, giá thép trong nước giảm 800.000 đồng/tấn

Sắc xanh vẫn có phần chiếm ưu thế trên bảng giá 31 loại hàng hóa nguyên liệu đang được liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, giúp cho chỉ số MXV-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 0,38% lên 3.041,91 điểm. Trong đó, đáng chú ý là mức tăng khá mạnh của nhóm kim loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN